Theo ThS Dương Văn Huế, công tác tiếp công dân là vấn đề được cả xã hội quan tâm, là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta. Làm tốt công tác tiếp dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, giúp Đảng và Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song thực tiễn công tác tiếp công dân trong thời gian qua cho thấy còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập: Quy định về tên gọi, mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của tổ chức tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương còn thiếu thống nhất; nhiệm vụ và quyền hạn của người phụ trách trụ sở tiếp công dân, người làm công tác công dân chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng; phạm vi trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức thường trực tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng, của trụ sở tiếp công dân các cấp chưa rõ ràng.

Mặt khác, mối quan hệ giữa Trụ sở Tiếp công dân ở Trung ương với cơ quan thường trực tiếp dân ở địa phương và mối quan hệ giữa trụ sở tiếp công dân với cơ quan thanh tra, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa đầy đủ.

Tiêu chuẩn, chế độ chính sách với với người tiếp công dân; trình tự, thủ tục tiếp công dân, công tác quản lý về tiếp công dân… chưa được quy định đầy đủ và cụ thể. Việc tiếp công dân còn hình thức, chưa hiệu quả, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp công dân hoặc cơ quan chức năng; có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần, trách nhiệm, thái độ không đúng mực đối với người dân đến khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh; tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn công dân không đúng quy định vẫn còn xảy ra. Chế độ thông tin về tình hình KNTC, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được đầy đủ, kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC và tiếp công dân chưa được quan tâm đúng mức.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị thuyết minh đề tài. Ảnh: TH

Xuất phát từ lý do trên, việc nghiên cứu đề tài khoa học “Đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” là cần thiết.

Với mục tiêu, hoàn thiện pháp luật tiếp công dân theo hướng đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam và đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam, đề tài nghiên cứu 3 nội dung chính: Cơ sở lý luận về đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam; Thực trạng đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam; Giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam.

Cho ý kiến tại hội nghị, các thành viên Hội đồng Thuyết minh đều đánh giá cao tính khả thi của việc nghiên cứu đề tài.

Phạm vi nghiên cứu khá rộng, Chủ nhiệm Đề tài cần khoanh lại phạm vi cho phù hợp, cụ thể hơn.

Đề nghị Chủ nhiệm Đề tài có thể nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện thuyết minh theo hướng: Về mục tiêu nghiên cứu, đề tài cần tập trung vào mục tiêu chính là các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam.

Về tính cấp thiết, cần luận giải thêm sự cần thiết của đề tài đảm bảo tính toàn diện, nêu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác tiếp công dân của cả hệ thống chính trị; từ đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành văn bản pháp luật về vấn đề này; nêu những kết quả đạt được và bất cập trong tiếp công dân của cả hệ thống chính trị… Từ đó, làm rõ sự cần thiết phải nghiên cứu đề tài này.

Đối tượng nghiên cứu: pháp luật và thực tiễn hoạt động, cần bổ sung thêm vấn đề lý luận về tổ chức và hoạt động tiếp công dân; tiếp công dân của các cơ quan Đảng để bao quát tính toàn diện của đề tài.

Về các nội dung nghiên cứu, việc nghiên cứu đề tài cần làm rõ lý do vì sao phải đổi mới tổ chức, hoạt động tiếp công dân; chỉ ra những bất cập, hạn chế trong quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện tiếp công dân để làm căn cứ đề nghị đổi mới tổ chức, hoạt động tiếp công dân.

Nội dung 1, cần làm rõ khái niệm hệ thống chính trị; tiếp công dân của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong tiếp công dân; tiếp công dân phức tạp, đông người…

Tại nội dung 2: Bỏ cụm từ “đổi mới” thành “Thực trạng tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam”. Đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật và thực tiễn thực hiện tiếp công dân của hệ thống chính trị; đánh giá những hạn chế bất cập và yêu cầu đổi mới…

Nội dung 3: Bổ sung “quan điểm và mục tiêu đổi mới” xác định phương châm và nguyên tắc đổi mới; nội dung đổi mới; giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục, thanh tra, kiểm tra giám sát…

Trên cơ sở góp ý của các thành viên, đề tài “Đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được Hội đồng Thuyết minh thống nhất phê duyệt nghiên cứu năm 2023.

Thái Hải