Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND huyện, thành phố căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương chủ động rà soát, chấn chỉnh việc sử dụng, đào tạo, cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của mình hoặc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do mình quản lý. 

Các đơn vị có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Kết quả kiểm tra, rà soát báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (gửi qua Sở Nội vụ) trước ngày 31/12/2019.

Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát trên các trang mạng xã hội nhằm có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định đối với các tập thể, cá nhân có hành vi giới thiệu mua bán, trao đổi các loại giấy tờ trên (kể cả đối với hành vi làm thuê luận văn, luận án tốt nghiệp).

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, nhiều thông tin về việc nhận làm giả các loại văn bản, chứng chỉ… được đăng tải công khai trên mạng xã hội trong thời gian qua. Cụ thể, nếu có nhu cầu, người dân chỉ cần vài trăm nghìn đến vài triệu đồng rồi gọi điện đến số máy điện thoại là sẽ được đáp ứng nhiều loại giấy tờ, từ chứng minh nhân dân, giấy khám sức khỏe, giấy tạm trú, tạm vắng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đến các loại bằng cấp đại học, lái xe ô tô… 

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, một số vụ làm giả các loại giấy tờ đề lừa đảo cũng xảy ra. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang vừa thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam với đối tượng Đặng Xuân Chung thường trú tại phường 17, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, trong khoảng từ năm 2016 đến 2017, Đặng Xuân Chung đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất có diện tích 356 m2 tại phường An Khánh, quận 2, TP Hồ Chí Minh và giấy đăng ký xe ô tô Lexus biển kiểm soát 51F-059.93 (tất cả đều mang tên Đặng Xuân Chung) và dùng số giấy tờ giả này để “làm tin” vay tiền các bị hại.

Tại cơ quan công an, Chung khai nhận, do quê gốc ở huyện Hiệp Hòa nên đối tượng quen biết một số người ở đây (trong đó có các bị hại). Để phục vụ việc mở rộng kinh doanh, đầu tư bất động sản, đối tượng đã vay tiền của các bị hại và vẫn trả lãi đều đặn theo thỏa thuận. Với mác doanh nhân thành đạt nên ban đầu các bị hại không yêu cầu phải có tài sản thế chấp.

Thời gian gần đây, do đầu tư dàn trải, thua lỗ, nợ nần nhiều nên đối tượng phải khất trả chậm. Thấy các bị hại liên tục yêu cầu phải có tài sản thế chấp cho các khoản vay nên Chung làm giả giấy tờ để “làm tin” đồng thời định vay thêm vài trăm triệu đồng để chi tiêu. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi các bị hại mang số giấy tờ giả đi xác minh.

 Hoàng Long