Ngày 2/12, Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP. HCM tuyên án vụ bị cáo Nguyễn Thành Tài, cùng đồng phạm sai phạm trong việc giao khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1.

Đánh giá đầy đủ, xử phạt mức án thấp hơn quy định

HĐXX nhận định án sơ thẩm TAND xử phạt các bị cáo về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí là có căn cứ.

Ông Tài và 3 bị cáo cấp dưới có hành vi tham gia soạn thảo, ký nháy đề xuất và ký ban hành các công văn, quyết định có ý nghĩa trong việc cho Công ty Lavenue (trong đó Công ty Hoa Tháng Năm chiếm 30% vốn góp) được giao, thuê khu đất 8 - 12 Lê Duẩn thực hiện dự án khách sạn cao cấp - trung tâm thương mại theo hình thức chỉ định, không qua đấu giá quyền sử dụng đất; quyết định áp dụng 2 hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng một dự án và cho thanh lý số nhà 12 Lê Duẩn không bán đấu giá tài sản trên đất. Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy có vai trò là đồng phạm với ông Tài.

Án sơ thẩm tuyên phạt ông Tài 8 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Cùng tội này, bà Thúy, ông Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) cùng mức án 5 năm tù; ông Nam 4 năm tù và Trương Văn Út (cựu Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường) 5 năm tù.

Tòa cho rằng, mức án tòa sơ thẩm là đã xử ông Tài dưới mức hình phạt của khung hình phạt (10 - 20 năm tù) nên không có căn cứ giảm nhẹ. Tương tự các bị cáo khác, toà cũng đưa ra lập luận trên và bác kháng cáo xin giảm nhẹ, miễn hình phạt.

Toà chỉ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư Quận ủy 2) giảm án từ 4 năm tù còn 3 năm tù.

Luật sư của ông Tài cho rằng, Nhà nước không thất thoát gì mà được thu lợi từ khoản tiền 647 tỉ đồng mà các nhà đầu tư đã nộp vào ngân sách hơn 10 năm này. Nếu tính theo lãi suất tiết kiệm số tiền này đến nay lên đến cả 1.000 tỉ đồng. Do tòa sơ thẩm tuyên thu hồi quyền sử dụng đất này giao cho TP, do đó không có thiệt hại xảy ra, nếu có thì đã được khắc phục.

Vì vậy, bản án sơ thẩm xác định hành vi của các bị cáo gây ra thất thoát hay lãng phí tài sản Nhà nước là chưa chính xác và chưa đầy đủ. Không thể dựa trên kết luận về việc thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước này để buộc tội hay lượng hình. Và sự thay đổi và chuyển biến của tình hình, khiến cho hành vi của các bị cáo, trong đó có ông Tài đã không còn gây nguy hiểm cho xã hội, tòa nên xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên tòa phúc thẩm cho rằng, không có việc không gây thiệt hại cho Nhà nước, mà sự việc được phát hiện kịp thời ngăn chặn kịp thời. Điều đó cũng không có nghĩa ông Tài không vi phạm.

Còn luật sư bà Thúy cho rằng thân chủ và Công ty Hoa Tháng Năm không có lỗi, đề nghị HĐXX tuyên thân chủ không phạm tội và hủy bỏ việc áp dụng biện pháp tịch thu gần 190 tỉ đồng phần vốn góp để tham gia dự án, sung quỹ Nhà nước.

Tòa nhận định, bà Thúy biết dự án xây dựng khách sạn 5 sao tại số 8-12 Lê Duẩn là dự án trọng điểm, nằm ở vị trí đắc địa. Công ty Hoa Tháng Năm không có năng lực tài chính, không có kinh nghiệm, mới thành lập nhưng bà Thúy đã ký văn bản gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà, tự nhận có năng lực tài chính, kinh nghiệm để xin tham gia đầu tư dự án 8-12 Lê Duẩn.

Lợi dụng mối quan hệ quen biết với ông Tài để ông Tài ký nhiều văn bản có lợi cho bà Thúy.

Tòa khẳng định, xử phạt bị cáo Thúy là đúng người đúng tội không oan sai.

Về các kháng cáo xin giảm nhẹ và miễn hình phạt của các bị cáo khác, Viện Kiểm sát (VKS) xác định án sơ thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội, không oan, sai. Hành vi của các bị cáo là nguyên nhân gây ra thiệt hại, những lý do mà bị cáo nêu trong đơn kháng cáo không phải là tình tiết giảm nhẹ mới. Án sơ thẩm đã xem xét, đánh giá đầy đủ, xử phạt mức án thấp hơn quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Tranh luận xác định thiệt hại... vẫn nằm trong khung

Theo HĐXX, việc xác định thiệt hại của án sơ thẩm là đúng, nên HĐXX bác toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng VKSND TP. HCM

Trước đó, tòa sơ thẩm xác định thiệt hại là giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm thực hiện hành vi sai phạm, tương đương 900 tỉ đồng (trừ đi 647 tỉ đồng các nhà đầu tư đã nộp ngân sách nên thiệt hại còn 252 tỉ đồng).

HĐXX sơ thẩm, cho rằng cần xác định thiệt hại thực tế là số tiền Nhà nước thất thu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, tức ngày ban hành quyết định giao đất cho Công ty Lavenue mới phù hợp với khoa học - pháp lý và pháp luật hình sự.

Tuy nhiên, VKS vẫn giữ quan điểm kháng nghị về việc xác định thiệt hại là 2.554 tỉ đồng, tương đương giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm khởi tố vụ án (khi đó Công ty Lavenue đã nộp ngân sách 647 tỉ đồng nên thiệt hại còn 1.927 tỉ đồng).

VKS Cấp cao nhận định, cấp sơ thẩm xác định số tiền thực tế thất thoát 253 tỉ không đúng với thực tế với hậu quả xảy ra giữa hành vi phạm tội của các bị cáo đã thực hiện và chiếm giữ quyền sử dụng đất trong thời gian dài.

Tại tòa phúc thẩm, HĐXX xác định, thiệt hại (252 tỉ đồng) tại thời điểm các bị cáo phạm tội là đúng, nên cấp phúc thẩm đã bác nội dung kháng nghị này.

Từ đó, HĐXX sơ thẩm tuyên trả lại 126 tỉ đồng cho Công ty Lavenue và công ty này có nghĩa vụ hoàn trả lại 126 tỉ đồng này cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà; trả lại 315,6 tỉ đồng cho Công ty Kido.

Theo tòa phúc thẩm, đối với vật chứng hơn 631,3 tỉ đồng của Công ty Lavenue, cấp sơ thẩm tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước hơn 189,4 tỉ đồng của Công ty Hoa Tháng Năm là đúng, vì tiền này sử dụng vào việc phạm tội, còn đối với (số tiến còn lại) là của Công ty Quản lý kinh doanh nhà và Công ty Kido, đây là phần vốn góp với Công ty Lavenue là tài sản của pháp nhân, pháp nhân không biết việc phạm tội của các bị cáo nên cần trả lại cho chủ sở hữu theo luật định.

Luật sư Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP. HCM

Khoản 3 Điều 219 BLHS về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định mức hình phạt 10-20 năm tù khi phạm tội gây thiệt hại tài sản từ 1 tỉ đồng trở lên (đây cũng khung hình phạt cao nhất trong điều luật).

Vì vậy, dù giá trị thiệt hại được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội (theo quan điểm của tòa) hay tại thời điểm khởi tố vụ án (theo quan điểm của VKSND TP. HCM và VKSND Cấp cao tại TP. HCM) thì khung hình phạt đối với các bị cáo vẫn nằm trong khoản 3 Điều 219 BLHS.

Tuy nhiên, con số giá trị thiệt hại có ý nghĩa quan trọng trong việc HĐXX xem xét lượng hình khi quyết định mức án đối với các bị cáo.

Nghiêm Lan