Kết quả điều tra xác định đường dây có 14 đối tượng, gồm: Tô Sỹ Lực (SN 1982); Nguyễn Văn Hào (SN 1983); Nguyễn Văn Hồng (SN 1983); Nguyễn Văn Cường (SN 1981); Nguyễn Văn Mạnh (SN 1992).

Phạm Thị Thúy (SN 1992); Nguyễn Thị Mai Phương (SN 1986); Hoàng Thị Phượng (SN 1983); Cao Hà Giang (SN 1985); Cao Xuân Hải (SN 1994).

Lương Thị Vui (SN 1995); Hoàng Văn Trường (SN 1987); Phạm Ngọc Sơn (SN 1984) và Cao Thành Đại (SN 1990).

Từ khoảng năm 2017, các đối tượng mua lại pháp nhân nhiều công ty với giá từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/1 công ty, sử dụng hồ sơ cá nhân của người khác đứng tên giám đốc, ký giả chữ ký giám đốc để biến các doanh nghiệp này thành công ty “ma”.

Sau đó, không tổ chức hoạt động kinh doanh, mà chỉ dùng để mua bán trái phép hóa đơn GTGT thu lời bất chính.

Đối tượng cầm đầu phân công một số đối tượng cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ: Soạn thảo hợp đồng, chứng từ, viết hóa đơn giấy, làm hóa đơn điện tử, báo cáo thuế, giao nhận với khách, giao dịch rút, chuyển tiền ngân hàng… để hợp thức hoạt động mua bán trái phép hóa đơn. Số đối tượng này được trả lương từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng/người.

Quá trình hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, các đối tượng thông qua môi giới để kết nối với các đơn vị có nhu cầu hợp thức hàng hóa đầu vào không có nguồn gốc hoặc hồ sơ vay vốn ngân hàng...

Các đối tượng môi giới mua hóa đơn với giá từ 2% đến 4% tổng giá trị tiền hàng trước thuế ghi trên hóa đơn, sau đó bán lại cho khách với giá 8% - 8,5% tổng giá trị tiền hàng trước thuế ghi trên hóa đơn.

Ngày 18/11/2021, Cơ quan Điều tra Công an TP Hà Nội đấu tranh đối với 14 đối tượng trên và khám xét nơi ở, nơi làm việc.

Kết quả, thu giữ hơn 20 dấu pháp nhân của các công ty "ma" và nhiều quyển hóa đơn GTGT, các chứng từ cùng các đồ vật liên quan đến việc thực hiện hành vi phạm tội.

Sơ bộ thống kê giá trị hàng hóa trước thuế ghi trên các hóa đơn mà các đối tượng bán ra lên đến 1.000 tỷ đồng, qua đó hưởng lợi hàng chục tỷ đồng.

Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

 

Q. Đông