Hàng loạt sai phạm xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp

Theo báo cáo, đối với hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, có 9.763 trường hợp trường với diện tích xây dựng 1.241.212,16 m2. Trong đó, vi phạm trên đất trồng lúa 456.169,15m2; đất trồng cây hàng năm 262.681,71m2; đất trồng cây lâu năm 64.808,86m2; đất lâm nghiệp 334.729,13m2; đất nuôi trồng thủy sản 50.930,74m2 đất nông nghiệp khác 17.171,69m2; đất khác 54.720,88m2. Trong tổng số 9.763 trường hợp nêu trên có 7.191 trường hợp vi phạm trên đất của hộ gia đình, 2.762 trường hợp vi phạm trên đất của UBND xã, tổ chức, cá nhân khác.

Đối với tổ chức xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, báo cáo của Sở TNMT chỉ rõ có 94 tổ chức vi phạm, với diện tích xây dựng 75.287,46m2. Trong đó, vi phạm trên đất trồng lúa 38.946,8m2; đất trồng cây hàng năm 32.160,96m2; đất trồng cây lâu năm 555,8m2; đất lâm nghiệp 1.762m2; đất nuôi trồng thủy sản 150m2; đất nông nghiệp khác 1.656,9m2; đất khác 55m2. Trong đó có 88 trường hợp vi phạm trên đất của tổ chức, 9 trường hợp vi phạm trên đất của UBND cấp xã, tổ chức, cá nhân khác.

Đối với các tổ chức, cá nhân, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp của các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, hiện có 1.517 trường hợp vi phạm với diện tích 229.333,1m2. Trong đó, vi phạm đất trồng cây hàng năm 93.059m2, đất trồng cây lâu năm 66.095m2, đất lâm nghiệp 69.729m2, đất khác 450m2.

Cụ thể, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Quan Sơn 17 trường hợp vi phạm với diện tích 3.701m2; Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc 114 trường hợp vi phạm với diện tích 24.701,4m2; Công ty TNHH Lam Sơn Sao Vàng 7 trường hợp vi phạm với diện tích 3.700m2; Công ty TNHH Công Nông nghiệp Hà Trung 242 trường hợp vi phạm với diện tích 60.364 m2; Ban Quản lý Rừng phòng hộ Như Thanh 226 trường hợp vị phạm với diện tích 23198m2; Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa 684 trường hợp vi phạm với diện tích 79.908,7m2; Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thạch Thành 58 trường hợp vi phạm với diện tích 10.190m2; Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thường Xuân 1.300 trường hợp vi phạm với diện tích 10.580m2; Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mường Lát 24 trường hợp vi phạm với diện tích 1.120m2; Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Chàng 9 trường hợp vi phạm với diện tích 11.290m2…

Báo cáo của Sở TNMT Thanh Hóa cũng cho thấy, đến thời điểm hiện tại, nhiều trường hợp vi phạm nêu trên vẫn chưa được chính quyền địa phương xử lý.

Về nguyên nhân để xảy ra sai phạm trên, Sở TNMT Thanh Hóa cho biết, cấp ủy, chính quyền ở một số xã, phường, huyện, thành phố thực hiện chưa tốt công tác đất đai thuộc đại giới hành chính, còn tình trạng buông lỏng, chậm trễ, thiếu quyết liệt trong việc xử lý vi phạm, cá biệt có trường hợp tiếp tay, tạo điều kiện cho các trường hợp vi phạm. Một số phòng ban chuyên môn chưa kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm, để tham mưu cưỡng chế vi phạm.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận quần chúng nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa cao. Trong khi đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao nên một bộ phận người dân bất chấp các quy định về quản lý đất đai để thực hiện các hành vi vi phạm.

Sở TNMT kiến nghị xử lý dứt điểm các sai phạm

Việc vi phạm chuyển mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất xây dựng nhà ở, đặc biệt là các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát… để làm nhà kho, trang trại, xây dựng các công trình trái phép khác trên đất nông nghiệp còn nhiều. Việc cho thuê đất không đúng thẩm quyền vẫn còn diễn ra ở một số xã, phường. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đất lúa kém hiệu quả gắn với tích tụ ruộng đất phát triển kinh tế trang trại, người dân đã đầu tư công sức tiền của để sản xuất, canh tác, bảo vệ sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, các hộ gia đình đã tự ý làm nhà trông coi, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, san lập mặt bằng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại các nông trường thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa, các ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty nông, lâm nghiệp quản lý vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp. Tình trạng chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm trong việc tiếp nhận xử lý đơn thư, giải quyết các đơn thư chưa dứt điểm, triệt để.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai còn chưa thường xuyên dẫn đến không kịp thời phát hiện và uốn nắn, xử lý các sai phạm. Việc giải quyết đơn thư kiến nghị của công dân chưa dứt điểm dẫn đến tình trạng đơn thư vượt cấp, đặc biệt là đơn thư kiến nghị, đề nghị bàn giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Đây là một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng vi phạm trái phép này.

Qua công tác rà soát, phát hiện tổng số trường hợp hộ gia đình cá nhân xây dựng công trình trình trái phép trên đất nông nghiệp là 9.763 trường hợp với diện tích xây dựng 1.241.212,16m2; 94 tổ chức vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích 75.287,46m2; 1.517 trường hợp vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp của các công ty nông, lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ với diện tích 229.333,1m2.

Trên cơ sở kiểm tra, để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm xây dựng công trình trên đất sản xuất nông nghiệp, Sở TNMT kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND cấp huyện xử lý đối với hộ gia đình xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp không thuộc các nông lâm trường quản lý thì kiểm tra từng trường hợp cụ thể đối với 1.751 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trước ngày 1/7/2004 và 4.929 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp trước ngày 1/7/2014 đã làm nhà ở, kho xưởng, trang trại và xây dựng vào mục đích khác xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo quy định của pháp luật.

Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy thì tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và đăng ký đất đai theo quy định.

Đối với 3.080 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2014 vi phạm Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, đã làm nhà, kho xưởng, trang trại và xây dựng vào mục đích khác, căn cứ quy định tại Điều 9, Điều 11, Nghị định số 91.NĐ-CP ngày 19/11/2019 xử lý về hành vi vi phạm hành chính yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả, lập hồ sơ xử lý vi phạm, tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định…

Các trường hợp đang sử dụng đất lấn chiếm thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo thu hồi đất đã lấn chiếm giao cho Ban quản lý rừng quản lý, sử dụng đất. Người đang sử dụng đất lấn chiếm được Ban quản lý rừng xem xét giao khoán, bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của pháp luật…

Đối với 87 trường hợp xây dựng công trình nhà ở, nhà kho, trang trại… trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2014, đề nghị các nông lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty nông lâm nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tập trung xử lý vi phạm, tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.

Văn Thanh