Điều kiện thuận lợi!

Thị xã Sông Cầu nằm ở phía Bắc của tỉnh Phú Yên, với lợi thế chiều dài đường bờ biển hơn 89km và nhiều đầm, vịnh. Có thể thấy, ưu thế của thị xã là phát triển kinh tế biển. Trong nhiều năm qua, thuỷ sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn và sẽ chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi, nhiều đối tượng nuôi mới được đưa vào nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái và có hiệu quả, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong đó, những năm đầu 1990, tôm hùm được đưa vào nuôi và đem lại nguồn thu nhập kinh tế chủ yếu cho người dân ở Sông Cầu. Nghề nuôi tôm hùm đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 4.000 hộ/10.000 lao động trực tiếp nuôi tôm hùm.

Tính đến năm 2023, thị xã Sông Cầu có 62.549 lồng, sản lượng đạt 2.074 tấn (trong đó, tôm hùm xanh chiếm 90%, tôm hùm bông 10%). Doanh thu từ nuôi tôm hùm đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm. Dư nợ cho vay nuôi tôm hùm khoảng 1.000 tỷ đồng. Thị xã Sông Cầu có các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung, được đầu tư nâng cấp đáp ứng nuôi trông thuỷ sản (NTTS) thâm canh, công nghệ cao (CNC), nhất là khu NTTS CNC Xuân Hải (Công ty TNHH Thuỷ sản Đắc Lộc).

Thị xã đã có sự đầu tư ứng dụng công nghệ trong phát triển lồng HDPE, đưa tôm hùm (bông, xanh) nuôi trong bể trên bờ tại Khu NTTS CNC Xuân Hải (Cty TNHH Thủy sản Đắc Lộc) thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Hạ tầng vùng NTTS từng bước được quan tâm đầu tư đúng mức.

Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy cho biết, từ những lợi thế về địa lý, cùng với sự phát triển thời gian qua, có thể khẳng định NTTS là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng, trong đó nghề nuôi tôm hùm đã và đang mang lại sinh kế, nguồn thu nhập chính cho đại bộ phận người dân ven biển của thị xã Sông Cầu.

“Có thể nhận thấy, thời gian qua, quá trình phát triển nghề NTTS của thị xã Sông Cầu đã bám sát mục tiêu phát triển, dần trở thành có thương hiệu, sức cạnh tranh cao trên thị trường thông qua khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương”, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu khẳng định.

Ông Huy cho biết thêm, thị xã đã tập trung tổ chức lại sản xuất thủy sản theo chuỗi từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm các đối tượng chủ lực. Dựa trên việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, thị xã đã có chuỗi sản xuất, nuôi tôm thẻ chân trắng đang hoạt động có hiệu quả của Công ty TNHH Thuỷ sản Đắc Lộc.

leftcenterrightdel
 Dư nợ cho vay nuôi tôm hùm khoảng 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Đình Sang

Khó khăn và thuận lợi song song

Việc NTTS của thị xã Sông Cầu cũng có những khó khăn nhất định.

Thứ nhất, địa phương nằm trong vùng có tần suất bão, áp thấp nhiệt đới khá cao. Lồng bè nuôi truyền thống còn đơn giản, sức chống chịu bão, gió kém nên chỉ nuôi được trong các đầm, vịnh.

Thứ hai, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt. Do đó, việc giao khu vực biển để NTTS chưa thực hiện được, dẫn đến chưa thực hiện được việc đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký NTTS lồng bè theo Điều 35, Điều 36 Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

Thứ ba, do nuôi trong môi trường mở, khó kiểm soát được mầm bệnh từ môi trường, mầm bệnh từ thức ăn tươi, khai thác, vận chuyển… nên môi trường, dịch bệnh khó kiểm soát, kéo theo việc dịch bệnh trên tôm nuôi, môi trường đầm vịnh ngày càng ô nhiễm,...

Thứ tư, tôm hùm thương phẩm của thị xã Sông Cầu hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc (trên 80-90%), còn lại tiêu thụ thị trường trong nước. Do đó, thị trường tiêu thụ đầy rủi ro do phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc, phụ thuộc thương lái. Liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chưa có sự ràng buộc pháp lý, chưa đảm bảo lợi ích các bên. Hiện nay, thị trường Trung Quốc đã ngưng nhập tôm hùm bông do phía Trung Quốc đã đưa tôm hùm bông vào luật bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp từ tháng 5/2023.

Trong thời gian tới, thị xã Sông Cầu đề xuất đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hỗ trợ địa phương về giải pháp thị trường tiêu thụ ổn định (các thị trường ngoài Trung Quốc, thị trường nội địa); hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã của địa phương trong việc cấp CODE xuất khẩu.

Đối với UBND tỉnh Phú Yên, thị xã Sông Cầu đề xuất tổ chức họp các sở, ngành có liên quan và Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn để xác định rõ vị trí, diện tích trùng lắp giữa các quy hoạch. Theo đó, cập nhật điều chỉnh diện tích nuôi, vùng nuôi, số lồng, bè và hộ nuôi phù hợp, tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ là căn cứ để thị xã triển khai thực hiện việc giao khu vực biển để NTTS lồng, bè.

Đối với Sở NN&PTNT tỉnh, thị xã mong muốn Sở đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển ngành NTTS trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2045. Thị xã Sông Cầu cũng mong muốn sẽ sớm triển khai phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tạm thời tỉnh Phú Yên theo Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 21/1/2021 UBND tỉnh, nhất là đầu tư tuyến đường thủy nội địa nội khu trên Vịnh Xuân Đài trong giai đoạn 2023-2025.

Đình Sang