Dịch giã tràn lan, đưa thế giới vào sự khó khăn về kinh tế, nhất là sự lưu thông, vận hành thông thường của hàng hoá. Việc xuất, nhập khẩu trở nên khó khăn hơn, các quốc gia vì tính mạng của công dân mình mà tập trung nhiều nguồn lực cho việc chống dịch. Cách ly, giãn cách, buộc nhiều nước hay các vùng trong cùng một nước phải tự “cô lập” mình để phong toả virus Covid-19. Theo đó, sản xuất đình trệ, quy luật phân phối, lưu thông hàng hoá bị đảo lộn. Và quốc gia nào cũng phải lâm vào thế… “hồn ai nấy giữ”, phải “tự cứu mình trước khi… trời cứu”.

Một trong những sự “tự cứu mình” đó chính là thúc đẩy sản xuất nội địa, tiêu dùng nội địa. Dịch bệnh đôi lúc là một phép thử để sau đó nền kinh tế nước ta trỗi dậy, bớt phụ thuộc và thậm chí có những bước đột phá để thích ứng và vươn xa hơn.

Thực tế chứng minh hàng Việt từ các mặt hàng nông sản đến hàng hoá chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực như dược phẩm, sinh phẩm y tế, ô tô xe máy, điện máy… đã và đang khẳng định mình từ chất lượng đến mẫu mã. Việt Nam không chỉ được thế giới biết đến với gạo, thuỷ hải sản mà giờ còn là ô tô, smartphone, dịch vụ viễn thông… Và nhiều doanh nghiệp Việt không chỉ khẳng định các thương hiệu quốc gia mà còn có tầm cỡ quốc tế. Đây là một điều rất đáng để tự hào.

Đáng buồn là một thời và kể cả bây giờ, tâm lý sính ngoại, người Việt bài hàng Việt vẫn còn tồn tại dai dẳng, như một thứ tâm lý bản địa khó thay đổi. Chính điều này là một rào cản khiến cho sức tiêu dùng bị kém đi và tính cạnh tranh của hàng Việt khó khăn hơn.

Hàng Việt Nam đã có thể thay thế rất nhiều các sản phẩm ngoại nhập, nhưng tâm lý nói trên khiến người tiêu dùng “ngó lơ” đã khiến doanh nghiệp không mặn mà sản xuất. Thay vào đó đi nhập khẩu về bán “cho lành”. Một số mặt hàng, sản phẩm thậm chí còn ngang hay tốt hơn cả hàng ngoại nhập nhưng với nhiều người Việt cứ hàng ngoại là “chuẩn”. Từ tâm lý này, thay vì tự hào, hàng Việt cứ có sản phẩm nào ra mắt thì thay bằng tâm lý háo hức, cổ vũ, khích lệ lại là sự soi mói, nghi ngờ, phán xét, tẩy chay… dù chưa một lần trải nghiệm. B phone hay thậm chí Vinfast cũng đều là ví dụ, dù các doanh nghiệp này đã có những cú lội ngược dòng đầy ngoạn mục. Một “em” Fadil gẫy trục bánh trước ở cầu Bến Thuỷ ngay lập tức dấy lên thông tin xe đang đi thì… tự gãy, nhưng không mấy ai truy xét xem liệu có phải do nó tông vào dải phân cách hay không? Cứ vậy mặc định xe Việt Nam sản xuất tự gãy là chuyện… bình thường!

Quay trở lại với câu chuyện tiêu dùng nội địa trong thời buổi Covid, khi việc nhập khẩu trở nên khó khăn hơn thì lại là một cơ hội tốt cho sản xuất nội địa. Đây cũng là cơ hội lấy lòng và chứng minh chất lượng đối với người tiêu dùng. Bởi suy cho cùng thì khách hàng là yếu tố quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp. Các sản phẩm Việt tốt thực sự về chất lượng, đẹp thực sự về mẫu mã. Chuyên nghiệp thực sự trong phân phối, lưu thông và chất lượng phục vụ thì “hữu xạ tự nhiên hương”, người tiêu dùng sẽ tìm về như một tất yếu.

Và tâm lý sính ngoại, bài nội sẽ bị đẩy lùi nếu hàng Việt thực sự nhân cơ hội này để chứng minh và khẳng định mình.

Nước hoa Miss SaiGon sẽ không thể so sánh được với Chanel, Gucci. Cũng như Vsmart thì khó so sánh được với Iphone, nhưng xin thưa rằng giới có tiền để xài đồ xa xỉ phẩm ở xứ mình không quá nhiều. Thị trường dành cho những thượng đế bình dân vẫn là đa số nên vẫn là một cơ hội quá lớn để thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Điều còn lại vẫn là một tinh thần Việt, một tình yêu đất nước, điều này thể hiện ngay trong văn hoá tiêu dùng của chính một công dân Việt. Thôi bài nội, thôi chê bai, thôi phán xét, thay vào đó là sự khích lệ, sự cổ vũ và hoan hỉ với tinh thần, người Việt dùng hàng Việt thì cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều thắng. Và đây chính là sức mạnh kinh tế của quốc gia, không bị lệ thuộc vào bất cứ thế lực nào trong thời toàn cầu hoá…

Trần Ngọc Hà