Nhiều phụ huynh ưu tiên đồ chơi Việt

Dạo một vòng qua một số địa điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em nổi tiếng ở Hà Nội như phố Hàng Mã, Lương Văn Can, chợ Hà Đông… hoạt động mua bán đồ chơi những ngày này diễn ra hết sức sôi nổi. Các hộ kinh doanh đồ chơi cho biết, đa phần giá cả của các mặt hàng năm nay so với năm ngoái tăng không đáng kể. Bán chạy nhất là các loại đồ chơi kiếm phát sáng, mặt nạ và đèn kéo quân.

Chị Dương Quỳnh Nga, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, gia đình có con nhỏ, biết được sự nguy hiểm của mặt hàng đồ chơi không rõ nguồn gốc, nên năm nay, cửa hàng nhà chị chủ yếu nhập về các loại đồ chơi hàng Việt như đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép trông trăng, đèn kéo quân giấy bóng kính, đèn cù, mặt nạ giấy, đầu lân, sư, rồng, trống mặt da…

Chị Nga cũng cho biết, dù các mẫu đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước được cải tiến nhiều về mẫu mã, màu sắc, hình dạng và kích cỡ nhưng sức bán không nhiều như những năm trước. Giá của các mặt hàng này dao động từ 15 đến 150 nghìn đồng tuỳ loại.

Anh Nguyễn Lê Hùng, chủ một cửa hàng trên phố Lương Văn Can cho biết, mùa Trung thu năm nay, cửa hàng của gia đình anh cũng nhập toàn các mặt hàng đồ chơi thủ công của Việt Nam như các loại đèn, mặt nạ. Theo anh Hùng, những năm gần đây, phụ huynh đã nhận biết được sự độc hại của các sản phẩm đồ chơi nhập ngoại không rõ nguồn gốc nên cũng ưu tiên lựa chọn sản phẩm của Việt Nam hơn.

Cẩn thận lựa chọn đồ chơi trung thu cho hai con nhỏ và các cháu tại một cửa hàng trên phố Hàng Mã, anh Trần Đức Diễn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy năm nay, sản phẩm đồ chơi truyền thống Việt khá phong phú và đa dạng, giá cả hợp lý, chất lượng an toàn nên chọn mua cho các con những món đồ chơi này để các con hiểu được cội nguồn, ý nghĩa Tết Trung thu".

Cùng quan điểm, chị Bùi Lệ Thuý (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, chị vừa mua một chiếc đèn ông sao giá 25 nghìn đồng cho con gái và một đầu lân cho con trai với giá 150 nghìn đồng. “Mặc dù giá có cao hơn chút so với hàng Trung Quốc, nhưng tôi thấy rằng đồ chơi truyền thống Việt vừa an toàn, gần gũi thiên nhiên, không thua gì hàng ngoại nhập mà các con lại rất thích", chị Thuý nhấn mạnh.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc

Tuy nhiên, không phải chủ hộ kinh doanh nào cũng như chị Nga, anh Hùng chỉ ưu tiên bán hàng Việt hay như anh Diễn, chị Thuý chỉ lựa chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thực tế cho thấy, việc đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gây hại đã được cảnh báo từ lâu, nhưng mặt hàng này vẫn có mặt khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị. Bất chấp cảnh báo, người tiêu dùng cũng như người buôn bán vẫn đưa mặt hàng này vào kinh doanh và sử dụng. Họ lựa chọn vì đa dạng về mẫu mã, sắc màu lại rất sinh động và quan trọng hơn là hợp túi tiền. Các loại đồ chơi sản xuất trong nước ít chủng loại và mẫu mã. Còn đồ chơi ngoại nhập có xuất xứ thì giá cả đắt, không phù hợp túi tiền của nhiều hộ gia đình khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều cửa hàng có đồ chơi trung thu ở phố Lương Văn Can, Hàng Mã, chợ Hà Đông… hàng Việt Nam, ngoài các bộ xếp hình và đèn lồng bằng giấy thủ công đủ các loại kích cỡ do hàng mã làm và cung cấp, còn có nhiều loại đèn lồng chạy bằng pin, búp bê, mặt nạ, bộ đồ chơi ôtô, dao, kiếm, súng bắn nước… với nhiều mầu sắc, mẫu mã đẹp mắt.

leftcenterrightdel
 Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện hàng nghìn sản phẩm đồ chơi các loại không rõ nguồn gốc. Ảnh: QLTT

Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của các loại đồ chơi này, các chủ hộ kinh doanh đều cho rằng các mặt hàng này đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Giá cả cũng phải chăng. Các em nhỏ cũng rất thích. Còn hàng Việt Nam ít chủng loại, phần lớn là giấy nên nhanh hỏng, nhìn không bắt mắt nên cũng có ít người mua.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng QLTT toàn quốc đã phát hiện và tạm giữ hàng chục nghìn sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc.

Mới nhất, tháng 9/2023, tại TP Hồ Chí Minh, Đội QLTT số 5 đã phối hợp với Công an phường 14, quận 5 tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em trên đường Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5. Qua kiểm tra, phát hiện gần 1.500 cái lồng đèn trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không đảm bảo an toàn sử dụng với tổng trị giá theo giá niêm yết là 51,6 triệu đồng. Đội trưởng Đội QLTT số 5 đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định. 

Tại Hoà Bình, từ nguồn tin của quần chúng nhân dân, Đội QLTT số 2 đã phối hợp với tổ công tác Đội 113 - Phòng PC06, Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS 88C-09190. Qua kiểm tra, phát hiện có 14 thùng (gồm 1.040 sản phẩm) đồ chơi trẻ em các loại và 80 chiếc ô che do nước ngoài sản xuất là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trên hàng hóa không thể hiện được thông tin nhà sản xuất, đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa, được vận chuyển từ Vĩnh Phúc về thành phố Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình giao cho các cửa hàng để tiêu thụ. Vụ việc đang được Đội QLTT số 2 xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Nghệ An, ngày 31/8, Cục QLTT Nghệ An phối hợp với các lực lượng chức năng, thu giữ và tiêu hủy 500 đồ chơi trẻ em các loại không rõ nguồn gốc dịp Tết Trung thu năm 2023.

Tại Sóc Trăng, Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa tại cửa hàng đồ chơi Ngọc Tài (phường 1, TP Sóc Trăng), phát hiện cửa hàng đang bán 26 sản phẩm đồ chơi trẻ em có hình dạng giống như các loại súng thuộc danh mục hàng hóa cấm lưu thông và 10 hộp sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Vẫn biết, thời gian qua, lực lượng chức năng rất rốt ráo trong việc phát hiện, xử lý và thu giữ các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng cũng chỉ như… muối bỏ bể. Nên trước hết, với người tiêu dùng, cần phải cập nhật cho mình những kiến thức cơ bản để trở thành người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những sản phẩm, những đồ chơi có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng, uy tín, chất lượng, đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ...

Lê Phương