Thay đổi diện mạo nhờ tập trung phát triển công nghiệp

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tỉnh Sông Bé trước đây và Bình Dương hôm nay đã cùng với cả nước bắt tay vào xây dựng lại quê hương trong điều kiện muôn vàn khó khăn. Thời khắc đó, với hậu quả chiến tranh nặng nề, kinh tế lâm vào khủng hoảng trầm trọng đã đặt quê hương Việt Nam nói chung và tỉnh Sông Bé nói riêng trước những thử thách vô cùng to lớn.

Trước tình cảnh khắc nghiệt đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Sông Bé đã quyết tâm, nỗ lực nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định để phát triển đất nước.

Kế thừa những thành tựu về nhiều mặt của tỉnh Sông Bé trước đây, ngay từ khi tái lập vào đầu năm 1997, Bình Dương đã nhanh chóng nắm bắt và khai thác hiệu quả các vận hội mới, tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và từng bước hiện đại hóa. Mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đã có bước phát triển liên tục, mạnh mẽ và toàn diện đã tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.

Đặc biệt, trong hơn 24 năm xây dựng và phát triển từ năm 1997 đến nay, kinh tế của tỉnh Bình Dương luôn duy trì tăng trưởng ở tốc độ cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, đó là tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng gấp nhiều lần so với khi mới chia tách tỉnh.

Việc phát triển các khu công nghiệp tập trung đã thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, tạo động lực lớn thúc đẩy sự phát triển nhanh của ngành dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, việc xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương.

Trong đó có trung tâm thành phố mới Bình Dương đã tạo nên bước đột phá trong phát triển công nghiệp và đô thị, dịch vụ của tỉnh theo hướng hiện đại, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, hướng đến đô thị thông minh trong tương lai, đưa Bình Dương trở thành một nơi đáng sống, đáng làm việc và đáng đầu tư.

leftcenterrightdel

Trung tâm thành phố mới Bình Dương đã tạo nên bước đột phá trong phát triển công nghiệp và đô thị, dịch vụ của tỉnh theo hướng hiện đại, văn minh, phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: X.Thi 

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Cơ sở giáo dục, khám chữa bệnh phát triển rộng khắp, nhiều bệnh viện, trường đại học mới hiện đại, nhất là hệ thống trường học, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về học tập, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…

Công tác quản lý điều hành của chính quyền các cấp ngày càng hiệu lực, hiệu quả; tỉnh quan tâm thực hiện và có bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo giúp giải quyết các thủ tục hành chính được nhanh chóng, thuận lợi, nhất là sau khi đưa trung tâm hành chính công đi vào hoạt động đã được nhân dân và doanh nghiệp ủng hộ và đánh giá cao, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh…

Tạo đột phá thu hút FDI

Nói về kỳ tích trong phát triển kinh tế thì không thể không nhắc tới câu chuyện thành công trong thu hút vốn đầu tư FDI ở Bình Dương. Với chủ trương thu hút đầu tư nhất quán, xuyên suốt hơn 20 năm qua nhưng luôn được bổ sung, đổi mới, sáng tạo, Bình Dương đã triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.

Trong đó, các ngành nghề, dự án có công nghệ tiên tiến, có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao; quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu được ưu tiên chú ý...

Nhờ những chủ trương, định hướng đúng đắn, cách làm sáng tạo, linh hoạt, công tác thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương đã thu được kết quả khá ấn tượng. Theo đó, tính đến tháng 2/2020, Bình Dương có hơn 48.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 450.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đến nay đã có 66 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương với gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 36 tỷ USD. Đặc biệt, ngày càng có nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có nguồn tài chính lớn và công nghệ hiện đại đến đầu tư vào Bình Dương. Hiện Bình Dương đứng thứ 3 cả nước, sau TP HCM và Hà Nội về thu hút vốn FDI.

leftcenterrightdel
 Đến nay đã có 66 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương với gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 36 tỷ USD. Ảnh: X.Thi

Để đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng đó, Bình Dương đã luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Trong năm 2020, Bình Dương đẩy mạnh xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn mới là Vùng Đổi mới Sáng tạo. Đề án này sẽ tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ quy hoạch đô thị, đến xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực…

Bước sang năm 2021, đối diện với đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng thích nghi, thực hiện công tác phòng, chống dịch hiệu quả. Các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi qua phương thức xúc tiến thương mại online, ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ trong thu hút đầu tư…

Đáng chú ý, mới đây Bình Dương lần thứ 3 tiếp tục nằm trong danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu trên thế giới năm 2021 của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF).

Việc Bình Dương được ICF tiếp tục vinh danh sẽ mở ra cơ hội hợp tác trao đổi kinh nghiệm với mạng lưới hơn 180 TPTM thịnh vượng khắp thế giới của ICF. Đồng thời, gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới. Qua đó, tạo nền tảng cho phát triển thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai…

Chu Tuấn