Nhận định này được đề cập trong báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ.

Chính sách, pháp luật về giá điện bộc lộ bất cập

Nêu rõ bất cập về cơ chế giá điện, cơ quan thẩm tra của Quốc hội lưu ý, khung pháp lý cho việc tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) vẫn chưa hoàn thiện. Các nhà máy điện tái tạo được xây dựng theo tư duy “giá FIT” gặp nhiều rủi ro khi tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh.

“Chính sách, pháp luật về giá điện còn bộc lộ một số bất cập”, báo cáo nêu. Dẫn chứng là hiện chưa có quy định về “giá phân phối điện” sẽ do Nhà nước điều tiết tương tự “giá truyền tải” hay không; vấn đề tính đúng, tính đủ và lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực.

Thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện và vấn đề trong điều hành giá bán lẻ điện cũng bất cập, theo cơ quan thẩm tra.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện. “Việc điều chỉnh giá phải bảo đảm điều hành minh bạch, không gây ảnh hưởng lớn, đột ngột và tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân”, cơ quan này góp ý.

Hiện, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo Quyết định 24/2017 khi có sự biến động các thông số đầu vào sản xuất (phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ, dịch vụ phụ trợ).

Báo cáo Chính phủ gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, giá điện được giữ ổn định từ cuối năm 2020 đến hết năm 2022. Gần nhất tăng thêm 3% từ ngày 4/5/2023 - mức thấp nhất theo Quyết định 24, lên 1.920,37 đồng một kWh.

“Mức tăng này nhằm giảm thiểu tác động đến nền kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân; đồng thời giải quyết một phần khó khăn về tình hình tài chính và dòng tiền của EVN”, Chính phủ nêu.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm ngoái, EVN ghi nhận lỗ hơn 26.200 tỷ đồng do giá nhiên liệu sản xuất tăng làm chi phí mua điện của tập đoàn này tăng. Nửa đầu năm nay, tập đoàn này lỗ hơn 35.400 tỷ đồng.

Cần tăng giá điện ở mức đủ chi phí để thu hút nhà đầu tư

Đề cập đến các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý phải đẩy nhanh triển khai các giải pháp cần thiết để bảo đảm cung ứng điện mùa khô cuối năm 2023; đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn, lưới đang triển khai để kịp thời đưa vào vận hành.

Chính phủ cần sớm đưa ra cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị.

Bàn về giá điện, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng, giá điện cần tính đủ chi phí sản xuất nếu muốn có nền kinh tế chuyển đổi xanh, tăng năng lượng tái tạo.

Theo ông Thành, ước tính, nếu chi phí của năng lượng tái tạo là 5-7 cent một kWh, cộng với truyền tải, giá bán lẻ cần tăng lên mức 10-12 cent một kWh (gồm chi phí bán lẻ, phân phối). Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân hiện là 1.920,37 đồng một kWh (tương đương khoảng 8 cent). Tức là, giá điện cần được cập nhật, tính toán đầy đủ các chi phí sản xuất mới, phát sinh.

“Đương nhiên khi tăng giá điện sẽ kéo theo phản ứng tiêu cực trong xã hội, nhưng sẽ không có chuyển đổi xanh, không thể nào phát triển năng lượng tái tạo mà không có lộ trình tăng giá điện ở mức đủ hấp dẫn đầu tư”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói.

Giảng viên Trường Fulbright Việt Nam cho rằng, cần đẩy nhanh trong đầu tư truyền tải điện; cũng như đấu thầu giá điện cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. “Các nhà sản xuất điện tái tạo luôn muốn có hợp đồng bao tiêu, nhưng họ cũng sẽ hài lòng với cơ chế đấu thầu giá điện công khai, minh bạch do trung tâm điều độ độc lập quản lý”, ông Thành nêu.

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nêu quan điểm, cần chuyển giá điện sang vận hành theo giá thị trường, tương tự việc áp dụng nhanh cơ chế giá thị trường với gạo.

Theo nhận định của ông Thiên, logic giá điện thị trường được áp dụng trong bối cảnh thế giới chuyển sang thời đại năng lượng mới “chứa đựng xu thế đưa Việt Nam thành một quốc gia có vị thế năng lượng toàn cầu”.

Quy hoạch điện XIII ban hành chậm

Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia tới 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 7. Kế hoạch thực hiện quy hoạch này đang được Bộ Công Thương trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt, trong đó sẽ cụ thể hoá quy mô công suất, tiến độ các dự án theo từng địa phương.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhận định, việc ban hành Quy hoạch điện VIII còn chậm hơn 2 năm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 134/2020. Việc này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Chế tài xử lý dự án thủy điện vi phạm chưa đủ mạnh

Chính phủ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong thiết kế, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện.

Các cơ quan chức năng đã loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 486 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Đây là các dự án chiếm nhiều diện tích đất, ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội hoặc hiệu quả kinh tế thấp.

“Các dự án thủy điện còn lại trong quy hoạch hầu hết là các dự án đã được rà soát kỹ lưỡng và cập nhật vào Quy hoạch điện VIII để tiếp tục đầu tư xây dựng”, Chính phủ khẳng định.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng, nhiều dự án chưa chấp hành nghiêm các quy định về xây dựng, chồng lấn quy hoạch, chưa hoàn thiện các thủ tục về môi trường, chậm tiến độ, chưa hoàn thành phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa; công tác xử lý vi phạm thiếu chế tài hoặc chế tài chưa đủ mạnh.

Cần cụ thể tiến độ cấp điện cho người dân vùng sâu, xa

Liên quan tới chương trình cấp điện cho người dân tại vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, hiện mới cân đối được hơn 8.895 tỷ đồng; vốn chưa cân đối được trên 20.883 tỷ đồng.

Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ phê duyệt chương trình có sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng, vốn vay ODA ưu đãi của các tổ chức quốc tế (WB, ADB…) và huy động các nguồn lực xã hội khác để bổ sung nguồn lực cho chương trình.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn về tiến độ thực hiện. Với nguồn lực đã được bố trí, Chính phủ khẩn trương thực hiện việc cấp điện nông thôn mới, sớm hoàn thành và ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. 

Hương Giang