Chính phủ đã có báo cáo “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, gửi Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với 149 trang, báo cáo đề cập chi tiết các vấn đề liên quan, trong đó có nội dung về năng lượng tái tạo (NLTT - điện gió, điện mặt trời).

Điện gió, điện mặt trời tăng trưởng nhanh

Theo báo cáo, Việt Nam đã có tăng trưởng nhanh chóng lĩnh vực điện gió và điện mặt trời, hỗ trợ bổ sung thêm nguồn cung cho hệ thống, giảm nguy cơ thiếu điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Các dự án NLTT phát triển cũng nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, giảm lượng phát thải CO2 theo cam kết quốc tế tại COP26 của Chính phủ Việt Nam.

Đưa ra các con số minh chứng, Chính phủ cho hay, cơ cấu nguồn đã có sự chuyển dịch đáng kể từ các nguồn năng lượng xám sang năng lượng sạch; tỷ lệ các nhà máy nhiệt điện than giảm dần từ 34% năm 2016 xuống còn khoảng 32,51% năm 2021, trong khi NLTT tăng dần từ mức không đáng kể (khoảng 0,3%) năm 2016 lên tới gần 27% vào năm 2021.

Tương ứng là sản lượng điện phát từ nguồn điện gió, mặt trời tăng, từ 5,242 tỷ kWh năm 2019 lên 29 tỷ kWh năm 2021, góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao (năm 2019 giảm khoảng 2,17 tỷ kWh và năm 2020 giảm 4,2 tỷ kWh, tiết kiệm khoảng 10.850-21.000 tỷ đồng cho việc sử dụng dầu để phát điện).

Tuy nhiên, điện gió, điện mặt trời phát triển “nóng”, tập trung ở miền Trung, miền Nam. Trong khi, tính đồng bộ trong phát triển nguồn và lưới điện còn hạn chế.

Khi tỷ trọng các nguồn NLTT trong hệ thống ở mức cao và chưa có chính sách để phát triển đồng bộ các loại hình nguồn điện cung cấp dịch vụ phụ trợ, đã có một số ảnh hưởng nhất định đến công tác vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia.

Thách thức an toàn lưới điện và áp lực giá

Chính phủ cho hay, tỷ lệ xây dựng lưới điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh trong giai đoạn 2016-2020 đạt khá cao (trên 80% với lưới điện 220 kV; lưới điện 500 kV về đường dây đạt được 72,2%, trạm 500 kV đạt 88%). Nhưng phần lớn các dự án truyền tải đều chậm tiến độ 1-2 năm, một số công trình chậm tiến độ kéo dài 4-5 năm.

Công tác lập bổ sung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch điện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do sự phát triển mạnh của NLTT.

“Các nguồn NLTT là phân tán, quy mô vừa và nhỏ nên các dự án trình duyệt ở quy mô nhỏ và rất nhiều dự án. Tại các hồ sơ bổ sung quy hoạch, phần lớn các nhà đầu tư, địa phương chỉ quan tâm tới lưới điện cục bộ của dự án mà thiếu đi cái nhìn tổng thể về bức tranh chung của hệ thống điện miền, hệ thống điện khu vực”, Chính phủ phân tích.

Hệ quả của quá trình trên là đã xảy ra hiện tượng nghẽn mạch cục bộ, phải giảm phát điện gió, điện mặt trời ở một số thời điểm nhất định.

Việc chuyển hướng sang năng lượng sạch cũng gây nhiều thách thức cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đó là: chi phí để thực hiện chuyển dịch năng lượng lớn, gây áp lực lên giá điện; hệ thống lưới điện của EVN chưa đáp ứng độ linh hoạt khi tích hợp các nguồn NLTT vào hệ thống; giá bán lẻ điện bình quân tại Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới, chưa có cơ chế linh hoạt về giá bán lẻ…

Xây dựng luật về NLTT, minh bạch giá điện

Chính phủ nhận định, việc tích hợp mức độ cao NLTT biến thiên không chỉ gây khó khăn trong quá trình vận hành mà còn là thách thức về quản lý.

Trong bối cảnh thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, chiến lược phát triển năng lượng đề xuất mục tiêu, tỷ trọng NLTT trong tổng năng lượng sơ cấp 20-25% năm 2030 và 60-65% năm 2045.

Để đạt được điều đó, theo Chính phủ, cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về NLTT, luật an ninh năng lượng. “Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ; cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt là các dự án đầu tư NLTT, năng lượng mới; minh bạch giá điện”, giải pháp nữa được Chính phủ đưa ra.

Cạnh đó, có cơ chế khuyến khích thu hồi vốn ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước.

Theo kế hoạch, Đoàn Giám sát sẽ làm việc với Chính phủ để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung báo cáo kết quả giám sát trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9 năm nay.

Nguồn nhiệt điện chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu điện

Cơ cấu xây dựng nguồn điện có khác biệt. Trong khi, các nguồn NLTT vượt mức 480% thì các nguồn nhiệt điện chỉ đạt gần 60%. Miền Bắc chậm tiến độ hơn 3GW nguồn nhiệt điện. Miền Nam chậm tiến độ hơn 3,6GW nguồn nhiệt điện nhưng vượt gần 14GW nguồn điện mặt trời.

Dù tổng công suất đặt nguồn điện ở miền Nam vẫn đạt quy hoạch, nhưng nguồn điện mặt trời có lượng điện năng thấp hơn 1/3 so với nguồn nhiệt điện, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên bảo đảm cấp điện vẫn nhiều khó khăn.

“Chậm tiến độ các nguồn nhiệt điện ở cả hai miền sẽ gây nguy cơ thiếu điện và khó khăn trong vận hành do thiếu công suất nguồn dự phòng, đặc biệt tại Bắc Bộ trong giai đoạn đến năm 2025”, báo cáo lưu ý. 

Rác thải từ pin mặt trời chưa nhiều, nhưng đáng lưu ý

Theo Chính phủ, do Việt Nam có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ cao, nhiều nơi nhiệt độ ngoài trời lúc nắng cao điểm có thể lên đến >40-50oC, khi đó, các tấm kính của pin mặt trời hấp thụ nhiệt có thể lên đến >60oC, gây ảnh hưởng đến lớp nhựa dán bên trong của các lớp trong tấm pin hoặc xảy ra hiện tượng cong vênh kính và khung của tấm pin.

Thêm nữa, chất lượng không khí của Việt Nam kém, thành phần không khí chứa nhiều loại chất ô nhiễm (ví dụ: muội) khi bám trên bề mặt kính của tấm pin khó có thể vệ sinh, sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của tấm pin. Gió lốc và bão lũ, sạt lở là những nguyên nhân làm hư hỏng các tấm pin.

Dự thảo quy hoạch năng lượng quốc gia và dự thảo báo cáo đánh giá tác động môi trường của quy hoạch năng lượng quốc gia đã xác định cần thiết xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn chất lượng tấm pin mặt trời. Điều này để đảm bảo chất lượng và tuổi thọ của pin như cam kết của nhà cấp hàng, đồng thời giảm lượng chất thải rắn từ các tấm pin mặt trời do hư hỏng.

Nghiên cứu các công nghệ và giải pháp thu hồi, xử lý và tái chế các tấm pin mặt trời hỏng cũng được tính đến. “Trong tương lai, vào cuối kỳ quy hoạch, khi số lượng loại chất thải này tăng lên có thể thí điểm xử lý”, Chính phủ nêu. 

Hương Giang