Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Giá ưu đãi FIT khiến nhà đầu tư “đổ xô” đầu tư điện mặt trời, điện gió làm thừa, thiếu cục bộ

Hương Giang

Thứ bảy, 24/09/2022 - 11:51

(Thanh tra) - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, nội dung giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 -2021” tập trung vào ngành Điện, hơn là các lĩnh vực khác như dầu khí, than…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 24/9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch chi tiết và đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 -2021”.

Thiếu cơ chế cho các dự án năng lượng tái tạo nên “điện sản xuất ra không bán được”

Theo dự thảo, cuộc giám sát này được thực hiện trên phạm vi cả nước. Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; UBND 63 tỉnh, thành thuộc đối tượng giám sát.

Thời gian giám sát từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/12/2021, với 2 nội dung: Việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng (trong tâm là Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và Hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử…) và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.

Nêu ý kiến, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nội dung giám sát tập trung nhiều hơn vào ngành Điện, hơn là các lĩnh vực khác như dầu khí, than…

Với điện, ông Thanh đề nghị tập trung vào một số vấn đề nổi lên. Chẳng hạn, quy hoạch điện 7 điều chỉnh chỉ cho công suất lắp đặt điện mặt trời khoảng 850 MW vào 2020, nhưng thực tế loại năng lượng này phát triển gấp nhiều lần, vượt quy hoạch.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến hết năm 2021 tổng công suất lắp đặt điện gió, mặt trời đạt 20.670 MW (tăng 3.420 MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27% toàn hệ thống điện.

Từ vượt quy hoạch, nên vừa rồi, đã phải sửa đổi một số điều của Luật Điện lực cho phép tư nhân đầu tư, cho phép tư nhân đầu tư, phát triển lưới truyền tải điện, để tăng năng lực truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo.

“Giá ưu đãi FIT khiến các nhà đầu tư “đổ xô”, chạy đua đầu tư vào điện mặt trời, điện gió trong thời gian ngắn. Việc này dẫn tới thừa, thiếu cục bộ, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia”, ông Thanh nói.

Cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, hiện cũng thiếu cơ chế chuyển tiếp cho các dự án năng lượng tái tạo không kịp vận hành, lỡ hẹn giá FIT nên “điện sản xuất ra không bán được, không tiêu thụ được”.

Quy hoạch điện - than - dầu phải gắn kết với nhau trong quy hoạch năng lượng chung. Theo ông Thanh, một số quy hoạch hiện nay được xây dựng mang tính ngắn hạn, chưa gắn kết và hướng tới quy hoạch dài hạn, tổng thể cả ngành năng lượng.

Từ những câu chuyện như vậy, ông Thanh cho rằng, cần tập trung giám sát ở khía cạnh này.

Có những văn bản ban hành gây “ách tắc” mà ứng xử “nhẹ như lông hồng”

“Giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có tính chất quốc gia, là giám sát tối cao”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh và đề nghị xác định rõ hơn nữa mục đích, căn cứ, phạm vi cuộc giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng

Theo ông, về nội dụng giám sát cần tiếp trung đánh giá thể chế hóa, việc ban hành nghị định, thông tư, quy hoạch, kế hoạch… với mục tiêu xác định là việc ban hành các văn bản có đúng và kịp thời không.

“Có những văn bản ban hành gây ách tắc bao nhiêu mà chúng ta ứng xử nhẹ như “lông hồng”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn nói và dẫn chứng, hàng năm, kiểm toán, thanh tra, Bộ tư pháp chỉ ra nhiều văn bản pháp luật quy định không đúng, trái quy định, “cài cắm lợi ích”.

Về thời gian giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không nên quy định “chặt” giai đoạn 2016-2021, mà gồm cả việc liên quan giai đoạn trước và sau. Đơn cử, quy hoạch điện 8 làm từ lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được.

“Tất nhiên không mở vô tận nhưng những việc trọng tâm chúng ta có trách nhiệm làm”, ông đồng ý với nhiều ý kiến xác định nội dung giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, không “mênh mông bể sở” vì người ít, thời gian hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý, cuộc giám sát về năng lượng nên tập trung vào vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, như cung cầu điện ra sao, có thiếu điện không, đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay thế nào… “An ninh năng lượng rất quan trọng”, ông nói.

Khía cạnh nữa về chuyển đổi năng lượng gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Chính sách tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm năng lượng; thị trường năng lượng cạnh tranh.

“Một mặt năng lượng phải đảm bảo, nhưng mặt khác việc sử dụng còn lãng phí, chưa hiệu quả. Ta đã nghèo nhưng còn xài sang. Chính sách tiết kiệm năng lượng phải chú trọng trong lao động sản xuất, tiêu dùng. Riêng cái này cắt giảm được bao nhiêu khí carbon”, ông Vương Đình Huệ nhận xét.

Từ đó, ông tiếp tục nhấn mạnh, giám sát phải có trọng tâm để có câu trả lời thỏa đáng.

Để tránh giám sát trùng lắp, hiệu quả thấp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, đoàn giám sát cần tận dụng, khai thác cơ sở tài liệu các cơ quan khác như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Hiệp hội Năng lượng… đã làm. Trên cơ ở dữ liệu này, đoàn giám sát đặt ra vấn đề gì cần làm rõ hơn.

“Không cần nhiều người đâu, ít mà tốt, tinh gọn hiệu quả. Làm sao tránh ảnh hưởng tối đa các đơn vị, cá nhân có liên quan”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đề xuất 6 nhóm vấn đề nổi bật trong lĩnh vực năng lượng tập trung giám sát

Đoàn giám sát đã lựa chọn và đề xuất 6 nhóm vấn đề nổi bật trong lĩnh vực năng lượng để tập trung giám sát và xây dựng báo cáo. Mỗi nội dung sẽ có các yêu cầu cụ thể, chi tiết với từng đối tượng giám sát, theo tất cả các phân ngành năng lượng.

Về cung cầu và an ninh năng lượng: Khả năng cung cấp, nhập khẩu năng lượng; thị trường năng lượng, các vấn đề kinh tế, tài chính năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Về quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng: Tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng, sự phối hợp, liên kết giữa các quy hoạch và đánh giá cụ thể đối với từng quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, quy hoạch điện, quy hoạch than, quy hoạch dầu khí.

Về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính: Tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, phát thải khí nhà kính, quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon trong thời gian tới, các giải pháp đã đạt được và khả năng đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Về khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng: Tình hình thu hút đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển ngành cơ khí năng lượng; nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; công tác đào tạo, sử dụng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng: Mô hình tổ chức quản lý nhà nước; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tình hình đội ngũ cán bộ; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Về một số nội dung khác: Hợp tác quốc tế, các vấn đề xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm