Quan điểm này được Ủy ban Kinh tế nêu rõ khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hiện nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ trong lĩnh vực công thương.

Theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại Việt Nam gặp không ít khó khăn. Hiện việc xác định nguồn gốc xuất xứ của nhiều sản phẩm, nhất là linh kiện, nguyên liệu không dễ dàng, tốn kém.

Trong khi đó, bộ tiêu chí xác định hàng sản xuất tại Việt Nam được Bộ Công Thương báo cáo, đề nghị xây dựng từ 2018 nhưng đến nay chưa thể ban hành.

“Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm ban hành bộ tiêu chí xuất xứ xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam”, Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những vấn đề còn vướng mắc về thẩm quyền ban hành

“Chính phủ cần có lộ trình phù hợp ban hành quy định về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” để hạn chế thấp nhất tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết, năm 2018, Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng cho phép bộ này chủ trì xây dựng quy định “sản xuất tại Việt Nam”.

Tại thời điểm này, nội dung chính sách đề xuất vượt thẩm quyền của Bộ Công Thương, nên Thủ tướng đồng ý “nâng hình thức văn bản lên cấp nghị định của Chính phủ”, thay vì thông tư như dự tính ban đầu.

Năm 2021, Nghị định 111 sửa đổi, bổ sung Nghị định 43 về nhãn hàng hóa được ban hành, và nội dung về cách ghi nhãn hàng hóa được đưa vào văn bản này. Tức là quy định “sản xuất tại Việt Nam” sẽ chỉ tập trung vào việc đưa ra bộ tiêu chí xuất xứ để xác định hàng sản xuất tại Việt Nam, là cơ sở ghi nhãn xuất xứ hàng hóa.

“Do vậy, việc ban hành văn bản “sản xuất tại Việt Nam” ở cấp nghị định là không còn cần thiết”, theo báo cáo của Chính phủ.

Đến giữa năm 2022, Thủ tướng đồng ý cho Bộ Công Thương quay trở lại xây dựng quy định ở cấp thông tư. Một lần nữa Bộ Công Thương gặp vướng về thẩm quyền chức năng, nhiệm vụ khi xây dựng văn bản này.

Lý do nữa được Chính phủ đưa ra, là xây dựng ở cấp thông tư về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” sẽ mang tính pháp lý chặt chẽ hơn quy định hiện nay với hàng trong nước.

“Cơ sở căn cứ pháp lý chưa rõ ràng, vững chắc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý, tác động đến hệ thống văn bản pháp luật hiện tại, dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ các doanh nghiệp”, Chính phủ nêu.

Theo nhận định của Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc ban hành quy định, điều kiện mới có khả năng phát sinh chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp tại thời điểm này.

Khi chưa có bộ tiêu chí hàng sản xuất ở Việt Nam, doanh nghiệp xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo nguyên tắc tại Nghị định số 111/2021.

Chính phủ cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những vấn đề vướng mắc về thẩm quyền ban hành thông tư và xem xét ban hành văn bản “sản xuất tại Việt Nam” ở cấp thông tư tại một thời điểm thích hợp để hạn chế thấp nhất tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.