Thị trường vẫn chưa khởi sắc

Theo khảo sát, hiện nay trên nhiều tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5), Nguyễn Tri Phương, Tô Hiến Thành (Quận 10), Đỗ Xuân Hợp, Phạm Văn Đồng (thành phố Thủ Đức), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân)… đã “mọc lên” các gian hàng bày bán bánh Trung thu. So với những năm trước, số lượng quầy sạp năm nay giảm.

Tại các gian hàng này chủ yếu bày bán bánh Trung thu của những nhãn hiệu quen thuộc trên thị trường như: Kinh Đô, Như Lan, Bibica, Bảo Minh, Đồng Khánh… với mẫu mã khá đa dạng cùng nhiều hương vị được làm từ đậu xanh, hạt sen, sầu riêng, trà xanh đậu đỏ, sen trứng, khoai môn trứng…

So với năm trước, giá các loại bánh Trung thu năm nay tăng nhẹ, từ 1.000 đến 5.000 đồng. Cụ thể: Loại bánh nướng 1 trứng trọng lượng 150g năm nay có giá 65.000 đến 95.000 đồng/cái; bánh nướng 2 trứng trọng lượng 210g có giá từ 80.000 đến 200.000 đồng/cái. Các loại bánh chay được làm từ nguyên liệu mè đen, hạt dưa, đậu xanh, hạt chia có giá dao động từ 40.000 đến 70.000 đồng/cái…

Mặc dù chưa đầy một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, tuy nhiên theo chia sẻ của một số nhân viên bán hàng, lượng khách đến các quầy sạp trên các tuyến đường để mua bánh Trung thu vẫn chưa nhiều, khách đến mua bánh Trung thu chủ yếu làm quà tặng hoặc mua về sử dụng.

Anh Đỗ Duy Hưng, nhân viên tại một quầy bán bánh Trung thu trên đường Nguyễn Tri Phương, Quận 10 cho biết, gian hàng đã mở bán được khoảng 3 tuần nay nhưng hiện nay lượng khách hàng đến mua bánh vẫn chưa nhiều. So với những năm trước thì sức mua năm nay có phần giảm.

“Còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Trung thu, nhưng hiện sức mua vẫn chưa nhiều. Một số khách chỉ ghé qua tham khảo và xin thông tin về giá chứ chưa chốt được đơn hàng. Hi vọng trong những ngày tới lượng khách đến mua bánh sẽ nhiều hơn”, anh Hưng nói.

Lý giải về lượng khách hàng đến bánh mua tại các quầy sạp còn “khiêm tốn”, chị Nguyễn Huỳnh Mai, chủ một gian hàng trên đường Phạm Văn Đồng chia sẻ, thị trường bánh Trung thu rất đa dạng về mẫu mã và cũng khá nhiều kênh phân phối. Ngoài những điểm bán lẻ trên các tuyến đường, bánh Trung thu cũng được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trên các trang mạng xã hội và ứng dụng mua sắm trực tuyến…

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Hiện nay, bên cạnh các loại bánh Trung thu của các thương hiệu quen thuộc, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều sản phẩm nhập khẩu, bánh “nhà làm” với mẫu mã đa dạng, nhiều hương vị thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Khảo sát trên một số trang mạng xã hội và ứng dụng mua bán trực tuyến cho thấy, nhiều loại bánh Trung thu được rao bán với mẫu mã bắt mắt, hương vị mới lạ, nhân bánh được làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Trong đó, một số loại bánh do nước ngoài sản xuất có giá từ 70.000 đến 120.000 đồng/hộp 12 cái, trọng lượng khoảng 450g được nhiều người quan tâm.

Theo Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, bánh Trung thu mua sẵn nhờ vào một lượng nhỏ chất bảo quản (các chất này phải trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế) thì bánh thường có thời hạn sử dụng trung bình khoảng 3 tháng, thông tin này được in trên bao bì sản phẩm.

Đối với bánh Trung thu tự làm vì không sử dụng chất bảo quản nên bánh thường chỉ có thời hạn sử dụng trung bình tối đa là 7 ngày. Cụ thể, bánh nướng có hạn 7 ngày, còn bánh dẻo chỉ là 4 ngày.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu, Sở An toàn thực phẩm phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm từng địa bàn. Trong đó, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố...

Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Trong đó, đối với cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm cần thực hiện đúng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; đối với người tiêu dùng, cần tuyên truyền việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, chỉ mua và sử dụng thực phẩm, bánh Trung thu có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...

Sở An toàn thực phẩm đề nghị UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm…

 

Nhật Huyền