Tưng bừng trái cây ngoại

Tại TP HCM, chợ đầu mối Thủ Đức (quận Thủ Đức) là nơi tiếp nhận nông sản của hầu hết bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ, cũng như hàng nông sản từ nước ngoài vào. Tại đây, mỗi đêm lượng trái cây về chợ dao động từ 17.000 - 18.000 tấn, trong đó trái cây ngoại nhập cũng chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Từ đây, táo, lê, cam của các nước: Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc được đưa về chợ lẻ ở các quận, huyện trên khắp TP.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ một quầy bán trái cây trong chợ An Nhơn (quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết, chị bán cả trái cây nhập khẩu và trong nước, nhưng lượng tiêu thụ trái cây nhập luôn nhiều hơn; trái cây Việt Nam chủ yếu bán theo mùa.

 

Kết thúc 7 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả ước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau, quả Việt Nam khi chiếm hơn 84% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Ngoài những thị trường truyền thống này, điều vui mừng là các thị trường mới cũng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh, như Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất tăng hơn 82%, Nhật Bản tăng gần 62%, Nga tăng khoảng 55%... "Rau quả vẫn đang là một trong những mặt hàng nông sản có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Với đà tăng trưởng xuất khẩu lạc quan như thế này, năm 2017 nhiều khả năng xuất khẩu rau quả lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD" - ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nói.
Tại siêu thị Aeon Bình Tân, người đi mua hàng không khỏi bị choáng ngợp bởi vô số mặt hàng như nho, cam, táo, lê, cherry, kiwi… Khảo sát về giá cả thấy rõ, trái cây ngoại nhập cũng có giá dễ chịu. Cụ thể, kiwi ruột vàng New Zealand khuyến mãi giảm giá từ 132.000 đồng xuống còn 125.000 đồng/kg, quýt vàng xuất xứ Úc 120.000 đồng/kg.. Trong khi đó, trái cây ngoại tại Co.opmart giá có phần mềm hơn, lê đỏ vàng Nam Mỹ 61.000 đồng/kg, quýt Úc 98.500 đồng/kg…

 

Chị Trần Thị Quỳnh Như, nhân viên giao dịch một ngân hàng trên đường Tên Lửa (quận Bình Tân) chia sẻ: “Ngoài cherry, nho xuất xứ từ Mỹ giá hơi cao, còn lại trái cây ngoại khác giá cũng dễ chịu. Đây chính là lý do mà tôi vẫn lựa chọn sản phẩm này khi mùa vụ của trái cây trong nước chưa đến” - chị Như nói.

Khơi dậy tiềm năng xuất khẩu

Là một nước có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với trên 70% dân số làm nông nghiệp, nhưng con số mà cơ quan quản lý vừa công bố mới đây đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy nghĩ. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2017, cả nước chi 854 triệu USD nhập khẩu rau quả, tăng tới 103% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, riêng rau quả nhập từ Thái Lan tăng từ 163 triệu USD (7 tháng đầu năm 2016) lên đến 517 triệu USD (7 tháng năm 2017), tương đương hơn 11.000 tỷ đồng. Các mặt hàng rau củ quả được nhập về chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Úc), xoài, mãng cầu, me (Thái Lan). Rau củ quả xuất xứ từ Trung Quốc chủ yếu là bắp cải, xà lách, khoai tây, cam, táo...

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, có nhiều nguyên nhân khiến rau quả Thái Lan nhập khẩu tăng mạnh vào thị trường Việt Nam. Thứ nhất là hoa quả Thái Lan có nhiều chủng loại giống Việt Nam như xoài, nhãn, chôm chôm, măng cụt... Trong khi đó, nền nông nghiệp Thái Lan tiến bộ, sản xuất chuyên canh lớn nên năng suất, chất lượng cao, hình thức đồng đều hơn các sản phẩm của nước ta.

Cùng với đó, từ năm 2015, Việt Nam đã xóa bỏ gần như 100% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu thông thường từ Thái Lan nên hoa quả, bánh kẹo Thái được hưởng lợi từ chính sách này. Bên cạnh đó, kênh phân phối là các đại siêu thị, giúp thúc đẩy hoa quả Thái vào Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn. Ngoài ra, các DN Thái Lan cũng đẩy mạnh đưa hàng rau quả Thái Lan qua các kênh phân phối lẻ vào các cửa hàng chuyên doanh nên quá trình tiếp cận với người tiêu dùng Việt sẽ thuận lợi hơn. 

Nhìn lại thị trường trong nước, rõ ràng rau củ quả do nông dân Việt làm ra cũng rất phong phú, không thua gì các nước bạn. Theo TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, Việt Nam có nhiều thế mạnh về phát triển trái cây. Trái cây Việt Nam có đặc trưng rất riêng như: Thanh long đỏ, vú sữa, xoài… được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Trái cây Việt Nam đã tiến được vào một số thị trường khó tính thì phải duy trì tốt.

Trong một nỗ lực “vượt khó”, tại thị trường Úc, Bộ Công thương cũng đã có nhiều động thái nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang thị trường này. Kết quả là trung tuần tháng 6 vừa qua, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Công thương cập nhật thông tin về tiến độ công tác mở cửa thị trường đối với quả thanh long tươi của Việt Nam và cũng đề xuất được hỗ trợ Việt Nam trong việc xin phép Cơ quan Quản lý An toàn thực phẩm Úc - New Zealand để sử dụng phương pháp chiếu xạ cho quả thanh long tươi khi xuất khẩu sang Úc. Rồi lô vải thiều Lục Ngạn đầu tiên đã đến “vương quốc trái cây” Thái Lan vào hồi cuối tháng 6.

Để hỗ trợ cho trái cây xuất khẩu, hiện Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang tiếp tục đẩy mạnh đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật kiểm dịch thực vật, mở cửa thị trường cho xuất khẩu quả tươi Việt Nam, trong đó tập trung vào các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cùng với đó là tạo điều kiện thông thoáng cho hàng xuất khẩu. Năm 2017, dự kiến Úc sẽ mở cửa tiếp cho chôm chôm, vú sữa, nhãn; Nhật Bản mở cửa cho thanh long ruột đỏ và Hoa Kỳ mở cửa cho quả vú sữa của Việt Nam. 

Ở một hướng khác, theo các chuyên gia, ngoài việc xuất khẩu trái cây tươi thì các DN trong nước nên quan tâm đến xuất khẩu trái cây thành phẩm hoặc đông lạnh. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu trong những trường hợp khi vào vụ thu hoạch rộ, tạo sự ổn định về hàng hóa, hoặc khi nông sản Việt bị “dội chợ”. Tuy nhiên, các DN cần có hệ thống nhà máy, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn. Thực tế, một vài thị trường trên thế giới rất ưa chuộng các sản phẩm đông lạnh của Việt Nam. Đơn cử như trái dừa tươi - đặc sản của tỉnh Bến Tre - có giá trị cao nhưng nhu cầu lại không nhiều để có thể xuất khẩu với số lượng lớn. Ngược lại, những sản phẩm như cơm dừa, nước cốt dừa thì nhu cầu ở thị trường lại rất cao. Do đó, có những sản phẩm áp dụng công nghệ chế biến sẽ thu hoạch được lợi ích tối đa. Công nghệ chế biến hay sản phẩm tươi đòi hỏi phải có sự kết hợp cả hai vào chương trình xuất khẩu trái cây Việt Nam.

Quan trọng hơn cả là DN xuất khẩu trái cây cũng như nhà sản xuất cần đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu, sản xuất phải hướng đến tính hàng hóa chứ không nhỏ lẻ, chớp thời cơ. Việc sản xuất phải tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Quan tâm đến “sân nhà” 

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các DN chế biến, kinh doanh mặt hàng trái cây mới chỉ tập trung cho xuất khẩu, chưa chú trọng khai thác thị trường trong nước. Thực tế, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này trong nước rất lớn, nhưng đang bị xem nhẹ. Chất lượng trái cây Việt có thể xuất khẩu tại các thị trường “kỹ tính” mà không thể “chinh phục” người tiêu dùng trong nước thì đây là vấn đề cần quan tâm. Theo một số khảo sát cho biết, nguyên nhân không phải do chất lượng mà yếu ở khâu quảng bá và xây dựng thị trường nội địa cho trái cây Việt. Các sản phẩm trái cây ngoại có thể xuất hiện tràn ngập tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối, chợ dân sinh, đều do khâu quảng bá sản phẩm.

Để trái cây nội không bị thua thiệt trên “sân nhà” và từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa như tiềm năng vốn có, trước hết DN cần có chiến lược quảng bá chuyên nghiệp; đồng thời có kế hoạch sản xuất những loại quả phù hợp thị hiếu tiêu dùng của người Việt.

Ông Lê Linh Khánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) nhận định, rất nhiều loại trái cây ở nước ta có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hoàn toàn có thể cạnh tranh với trái cây nhập ngoại. Hơn nữa, nếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, do không phải chịu chi phí nhập khẩu, giá sẽ dễ chịu hơn các loại quả ngoại có chất lượng tương đương. Do đó, các DN cần có hình thức giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại… để thu hút được các “thượng đế” trong nước.

Đi tiên phong trong việc tiêu thụ rau củ quả tại thị trường trong nước, vào ngày 1/9/2016, Tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi động Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” thông qua việc liên kết bước đầu với 1.000 hợp tác xã và hộ sản xuất. Tính đến nay, chương trình đã nhận được hơn 2.000 đơn đăng ký từ các hộ nông dân trên toàn quốc. Sau quá trình đánh giá nghiêm ngặt, VinEco (công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup) đã tìm được 500 hộ sản xuất phù hợp, đến từ các vùng nguyên liệu nổi tiếng như Lâm Đồng, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh ở miền Bắc (Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương…) để ký kết hợp đồng và đi vào sản xuất theo chương trình liên kết. Theo đó, ngay sau khi ký kết với các hộ nông dân, VinEco đã liên tục tổ chức các chương trình đào tạo và hướng dẫn hộ sản xuất về quy trình sản xuất rau an toàn; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch; thu mua tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn và hỗ trợ thủ tục chứng nhận VietGap và hỗ trợ tài chính.

 

Nông dân sản xuất rau quả sạch tại tỉnh Lâm Đồng.

 

Bên cạnh đó, nhằm chuẩn hóa quy cách tiêu chuẩn sản phẩm thu mua, các hộ sản xuất được Công ty VinEco kết nối và hướng dẫn cách làm thủ tục đăng ký VietGap, phổ biến về xu thế tiêu dùng sản phẩm sạch; đồng thời đào tạo và triển khai việc dán mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua điện thoại smartphone. Bước đầu, đã có 300 hộ sản xuất thuộc các lĩnh vực rau, nấm, gạo, trái cây cung cấp được sản phẩm liên kết ra thị trường thông qua hệ thống tiêu thụ của Vinmart và Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup. Với quy trình kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, chương trình đã cắt giảm tối đa các khâu trung gian để tập trung nâng cao chất lượng nông sản.

"Mục tiêu lớn nhất của Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” là cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng; đồng thời hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm thay đổi và tối ưu hóa sản xuất, tiến tới xây dựng được các thương hiệu nông sản Việt có tầm quốc tế. Đây chính là tâm huyết của Vingroup nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng cũng như đồng hành cùng nông nghiệp Việt” - bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty VinEco cho biết.

Để nâng cao tính cạnh tranh và khẳng định lại vị thế tại thị trường trong nước, ngành sản xuất trái cây cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản... Tuy nhiên, để có một dự án phát triển công nghệ bảo quản trái cây, cần đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Với mức đó, rất ít DN nội có nguồn lực để triển khai. Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn khác khiến nhà đầu tư "chùn bước" trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trái cây. Do đó, các bộ, ngành Trung ương cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính, đầu tư hệ thống máy móc trong chế biến và bảo quản; cùng với đó, có sự bảo trợ cho các hoạt động: Tổ chức hội chợ, xúc tiến đầu tư, chú trọng quảng bá, giới thiệu trái cây Việt tới người tiêu dùng, nhằm khai thác tiềm năng thị trường trong nước và tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Bảo Trâm