Điện lực vận dụng đúng luật?

Giải quyết đơn ông Tr.M.H. khiếu nại chủ trọ nhà 10 ngõ 62 Trần Quý Cáp thu tiền điện của khách tới 3.500 đ/kwh, đại diện Công ty ĐLĐĐ gồm Đội phó Đội Kiểm tra giám sát sử dụng điện Đặng Quang Thắng và giám sát Nguyễn Tùng Lâm viện dẫn Công văn 2059 do Cục Điều tiết điện lực ban hành hướng dẫn thực hiện giá bán điện quy định tại Thông tư 25/2018 (TT 25) của Bộ Công thương để “đánh đố” khiến nguyên đơn không thể bổ sung chứng cứ.

Đáng chú ý, vị đội phó xác nhận tại thời điểm ông H. thuê phòng, chủ trọ mua điện giá sinh hoạt một định mức theo bậc thang từ 1.703 - 2.971đ/kwh (không mua điện giá ưu đãi theo TT 25). “Nhà trọ mua điện có thuộc phạm vi điều chỉnh của TT 25 không mà ĐLĐĐ vận dụng Công văn 2059 để giải quyết khiếu nại?”, ông H. thắc mắc.

Ngay từ giữa năm 2014, Bộ Công thương ban hành TT 16/2014 về thực hiện giá bán điện đã quy định: Sinh viên - người lao động (SV - NLĐ) thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện thì chủ nhà thu tiền điện của người thuê theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hằng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành “cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung”… Tuy nhiên, TT 25 (sửa đổi, bổ sung một số điều của TT 16/2014) có hiệu lực từ tháng 10/2018 đã bỏ quy định dễ chứng minh sai phạm của chủ trọ trên!

Trả lời báo chí gần đây, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội thông báo: Trong tổng số hộ cho SV - NLĐ thuê nhà để ở đã bán điện theo TT 25 (2.844 hộ áp định mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, 8.657 hộ áp giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3), chưa phát hiện trường hợp nào sai phạm quy định!

Vì thế ông H. băn khoăn phải chăng Công văn 2059 góp phần khiến điện lực và cơ quan quản lý địa phương nhẹ gánh trách nhiệm (hệ quả của rất khó chứng minh sai phạm là xảy ra rất ít sai phạm), nhưng tác động rất mạnh tới hiệu quả thực thi chỉ đạo nhân văn của Thủ tướng.

Giải quyết khiếu nại kiểu ĐLĐĐ

Thời điểm ông H. thuê trọ, nhà 10 ngõ 62 Trần Quý Cáp không có máy giặt và thang máy, 8 phòng trọ đều lắp công tơ phụ (CTP) riêng… Giám sát Lâm giải thích, 3.500đ/kwh là giá tính tại CTP, giữa các CTP với công tơ tổng bao giờ cũng vênh do CTP không chính xác, tổn thất điện và phần điện “bên ngoài” phục vụ thang máy, đèn công cộng, bơm nước, máy giặt (chủ trọ chịu những chi phí này).

Ông Lâm dẫn chứng, nhà trọ thu của khách 3.500 - 3.600đ/kwh có thể còn không đủ trả cho ngành điện bán ở bậc 3 bởi “bên ngoài” quá nhiều. Vì thế thu 3.500đ/kwh hay 3.600đ/kwh là do tổn thất lớn hoặc CTP không chính xác. Nếu chủ nhà chứng minh không thu của khách vượt quá tổng số tiền ngành điện thu thì không… sai!

Điện lực là ngành khoa học kỹ thuật, song đại diện ĐLĐĐ (ảnh) lại dùng lý luận giả định để giải quyết khiếu nại. Ảnh: M.Tuấn

Trái lại, chúng tôi nhận thấy trên địa bàn chính quận Đống Đa, một nhà trọ lớn tại phố Hào Nam tính 4.000đ/kwh thu thêm tiền sử dụng thang máy 50.000đ/khách/tháng. Một cơ sở trên phố Đê La Thành (nhỏ) thu 4.500đ/kwh, ai dùng máy giặt nộp thêm 60.000đ/tháng...

Giám sát Lâm kể, đã làm việc với bên cho thuê trọ bị khiếu nại là Chu Minh Đạt để phổ biến TT 25, áp giá điện sinh hoạt bậc 3 (2.215đ/kwh) từ tháng sau, yêu cầu cam kết không thu tiền điện của khách quá quy định… Nhưng đầu tháng 5, khi tới trả ông H. tiền đặt cọc, Đạt kiên quyết bác bỏ chuyện làm việc với ĐLĐĐ và mua điện sinh hoạt bậc 3, né tránh trả lời có giảm giá điện cho khách không?

Diễn biến kỳ quặc này lại trùng khớp với tình tiết tại cuộc làm việc với ĐLĐĐ hồi trung tuần tháng 4. Ông H. hỏi sau đây nếu Đạt vẫn thu 3.500đ/kwh thì có vi phạm không? Ông Lâm đáp: “Người ta tổn thất cao trong nội bộ, người ta chứng minh không vượt quá cái đã áp là mức 3 thì người ta không sai”!

Tức là nhà trọ mua theo giá điện sinh hoạt một định mức, thu của khách 3.500đ/kwh thì ĐLĐĐ bảo không đủ chứng cứ thu quá quy định. Sang tháng sau, nhà trọ đó mua giá ưu đãi song nếu không giảm đồng nào cho khách thì ĐLĐĐ biện hộ bằng được rồi đùn đẩy cho nhà trọ tự chứng minh không… sai!

Ông H. bất bình: “Vậy ĐLĐĐ hay Sở Công thương Hà Nội chịu trách nhiệm yêu cầu chủ trọ tự chứng minh không sai”?

Công tơ phụ “ngoài vòng pháp luật”

Một khách từng trọ tại nhà 10 ngõ 62 Trần Quý Cáp phàn nàn phải trả tiền điện các tháng mùa đông 2018 - 2019 cao đến khó hiểu. Ông H. cũng nghi ngờ CTP phòng mình khi chỉ “gánh” một bóng đèn compaq nhỏ vẫn quay nhanh bất thường.

Trả lời ông H., nhân viên Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, điện lực không cung cấp, lắp đặt CTP nên không thể can thiệp. Còn phía Sở Công thương Hà Nội hướng dẫn khách tự thỏa thuận với chủ trọ mang CTP kiểm định tại cơ quan tiêu chuẩn - đo lường.

“Khách trọ yếu thế sao dám đòi chủ trọ tháo CTP đi kiểm định”, ông H. thất vọng!

Âm thầm giảm ngay 800đ/kwh

Trái với mớ lý luận của đại diện ĐLĐĐ, một khách trọ tin rằng nhờ bị khiếu nại và được mua điện sinh hoạt bậc 3, ông Đạt đã giảm giá điện cả tháng 4 còn 2.900đ/kwh.

Nên nhớ, từ thời TT 16/2014 đã dành nhiều ưu đãi về giá điện đối với chủ nhà cho SV - NLĐ thuê trọ. Và điện lực bỏ lọt nhà trọ đương nhiên là một nguyên nhân quan trọng khiến chủ trọ thu tiền điện đắt “lè lưỡi”.

Mạnh Tuấn