Gần Tết, từ 23 tháng Chạp đến 29 Tết Nguyên đán một số mặt hàng như: Gà ta, thịt thăn, thủy hải sản tươi sống cao cấp, rau quả cao cấp có những biến động lớn hơn từ 15 - 30% so với trước đó, lý do đơn giản là ở siêu thị có rất ít hoặc không có những mặt hàng đó trên thị trường mà người tiêu dùng nhất thiết phải mua sắm.

Thị trường ở chợ, cửa hàng lẻ, giá cả thường thấp hơn ở siêu thị 5 - 7%, tuy nhiên, giá cả không ổn định, an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề nhức nhối chưa được kiểm soát. Trong khi đó, ở siêu thị, giá cả ổn định hơn, chất lượng đảm bảo hơn bên ngoài. Trên thị trường hiện nay, chợ và cửa hàng lẻ, hàng rong vẫn chiếm khoảng 75% thị phần phục vụ, 25% còn lại là ở các siêu thị, trung tâm thương mại.

Theo ông Phú, điều quan trọng là phải tổ chức tốt cung cầu hàng hóa, bài toán hệ thống phân phối có hiệu quả, hàng hóa phải nắm chắc ở trong tay bằng cách chủ động dự trữ sớm. 

"Tôi lưu ý một điều là từ Tết năm nay, Hà Nội đã bỏ chế độ “bao cấp” về dự trữ hàng hóa bình ổn giá với lãi suất ưu đãi một số doanh nghiệp 0%. Nhiều năm thực hiện không hiệu quả, đã đến thời kì chấm dứt chế độ xin - cho, kinh doanh phi thị trường, làm méo mó cạnh tranh, không lành mạnh. Bài học đi trước của TP Hồ Chí Minh đã bỏ bình ổn giá cách đây 4 - 5 năm và đã tổ chức tốt việc liên kết cung cầu hàng hóa là chủ yếu, đã đem lại những gương tốt cho các TP bạn trong việc phục vụ tiêu dùng, ổn định giá cả thị trường trong ngày thường cũng như trong dịp Tết".

Phật thủ và các hàng nông sản khác bán tại chợ Hôm, Hà Nội. Ảnh: O.H

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, an toàn thực phẩm là vấn đề người tiêu dùng lo ngại nhất trong dịp Tết, đặc biệt nhu cầu sẽ tăng lên gấp 2 - 3 ngày thường. Những kẻ làm ăn bất chính sẽ lợi dụng để xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, vì vậy phải quản lý chặt chẽ, đặc biệt quản lý từ gốc nhập khẩu và sản xuất ở trong nước, khuyến khích phát triển các chuỗi sản xuất phân phối an toàn hiệu quả.

Do vậy, các cơ quan chức năng, y tế, quản lý thị trường, hải quan, công an kinh tế... phải làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong dịp Tết. Đặc biệt kiểm soát thị trường tự do chiếm thị phần lớn tiêu dùng ngày Tết cũng như ngày thường. Cần kiểm tra ở những chỗ tập trung hàng hóa lớn, những đầu nậu buôn bán lớn, phối hợp với các tỉnh, thành phố để làm tốt công tác này. Kiểm tra xong phải công khai những đơn vị làm ăn tốt để người tiêu dùng ủng hộ mạnh mẽ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Lời khuyên của Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho người tiêu dùng là: "Hàng ngày bạn mua sắm ở đâu, những đơn vị có thương hiệu đã phục vụ bạn quanh năm, về cơ bản họ sẽ phục vụ tốt trong dịp Tết. Nên mua hàng ở những nơi có địa chỉ, hạn chế mua hàng ở thị trường tự do, trôi nổi phức tạp". 

Người tiêu dùng cũng cần kịp thời thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan quản lý những việc làm phi pháp để kiểm tra và quản lý kịp thời. Điều tối quan trọng là các cơ quan quản lý phải có kế hoạch chủ động bảo vệ người tiêu dùng, không chờ người tiêu dùng thông thái vì như thế đã quá muộn.

Hữu Oanh