Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013 - 2014 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chỉ ra rằng, trong tất cả thứ hạng đánh giá 12 tiêu chí với kinh tế, ngoài tiêu chí quy mô thị trường (xếp thứ 36), các tiêu chí khác của Việt Nam đều có thứ hạng trên 57. Tuy nhiên, một số chỉ số lại có sự sụt giảm, thậm chí sụt giảm mạnh như: Hiệu quả của thị trường lao động (hạng 56, tụt 5 bậc); thị trường tài chính (hạng 93, tụt 5 bậc); sự sẵn sàng về công nghệ (hạng 102, tụt 4 bậc); áp dụng các công nghệ mới trong kinh doanh (xếp hạng 128)…

Đối với các chỉ số tăng về thứ hạng nhưng chưa chứng tỏ được sự bền vững như: Môi trường kinh tế vĩ mô (xếp thứ 87, tăng 19 bậc); chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng (xếp thứ 82, tăng 13 bậc); hiệu quả thị trường hàng hóa (xếp thứ 74, tăng 17 bậc). 

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ số sự sẵn sàng về công nghệ bị tụt hạng cho thấy, mục tiêu thu hút công nghệ cao tiên tiến của Việt Nam chưa đạt được mong muốn đề ra, đặc biệt là trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). 

Ngoài những cải cách mạnh mẽ để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho nhà đầu tư, cần kịp thời có các tiêu chí, hàng rào kỹ thuật hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế để hạn chế những tác động không mong muốn. Chúng ta cần phải có kế hoạch hành động để nâng tầm thu hút FDI có trọng điểm, hướng đến những tập đoàn lớn bởi hiệu ứng lan tỏa của nó là sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp nhỏ khác. 

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia kinh tế, cần thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược mà Chính phủ đã đề ra là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. 

Theo phản ánh của các nhà đầu tư nước ngoài, hạ tầng giao thông và năng lượng không tốt là một trong những rào cản làm hạn chế các nhà đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm gần đây đã có những thay đổi đáng kể, tuy nhiên nếu so sánh với các nước trong khu vực thì vẫn còn khoảng cách đáng kể. Việt Nam chỉ đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar, còn lại vẫn đứng sau Singapore (2), Malaysia (24), Thái Lan (37), Indonesia (38), Phillipines (59)… Thực tế này cho thấy, dòng vốn FDI những năm gần đây đã có xu hướng đầu tư vào các nước có môi trường đầu tư thuận lợi hơn Việt Nam.

Ngô Khuyên