Năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ; từ đó bám sát kế hoạch và nhiệm vụ tăng trưởng đã đề ra để tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; thực hiện các giải pháp về phát triển kinh tế, dự toán ngân sách và cải thiện môi trường đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm.

Tính đến nay, Vĩnh Phúc có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô 5.228 ha, trong đó có 11 khu công nghiệp được thành lập với 12 dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, tổng diện tích 2.159 ha, tổng vốn đăng ký trên 8.305 tỷ đồng và 95,1 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng bình quân đạt 65,1%.

Tính đến hết tháng 8/2019, các khu công nghiệp thu hút 60 dự án DDI, tổng vốn đầu tư trên 14.452 tỷ đồng; 276 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 3.683 triệu USD. Trong đó, có 247 dự án đang hoạt động; 31 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng; 53 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án và bồi thường, giải phóng mặt bằng; 5 dự án FDI thuộc diện giãn tiến độ, đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động.

Nhờ chủ động đổi mới, tìm kiếm thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tương đối ổn định, doanh thu, giá trị kim ngạch xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ.

9 tháng qua, riêng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện, điện tử đóng góp ngân sách hơn 914 tỷ đồng; doanh thu lĩnh vực này ước đạt trên 2.587 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 2.220 triệu USD, tăng 5% và nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 914 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện các doanh nghiệp điện tử đang giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động, tăng trên 2.500 người so với thời điểm 31/12/2018.

Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp chỉ đạo điều hành của Ngân hàng nhà nước Việt Nam và của tỉnh, ưu tiên tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 70 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4%; tổng dư nợ ước đạt 72.850 tỷ đồng, tăng 8,31% so với cuối năm 2018.

Công tác thu ngân sách Nhà nước được tăng cường, ngành Thuế đã tổ chức chỉ đạo thu quyết liệt, đôn đốc quyết toán các khoản thu ngân sách nhà nước như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thu từ đất, thu phí, lệ phí, đồng thời, hỗ trợ giải đáp chính sách, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế. 

Tổng thu ngân sách Nhà nước tính đến hết tháng 9 đã vượt 24.762 tỷ đồng, đạt 89% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 21.607 tỷ đồng. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là khu vực đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh với 16.190 tỷ đồng, chiếm 65,38% tổng số thu ngân sách trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong nước cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp từng bước vượt khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Lũy kế đến hết tháng 9, trên địa bàn tỉnh có 747 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký 82.342,41 tỷ đồng và 373 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,9 tỷ USD.

Các nhiệm vụ giải pháp thực hiện nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh ủy, các chương trình, kế hoạch hành động của UBND tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt tạo điều kiện thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đã được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt.

Cơ sở hạ tầng tại nhiều cụm, khu công nghiệp tiếp tục được tập trung hoàn thiện. UBND tỉnh duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành với doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 9 tháng qua, toàn tỉnh có 858 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 9,02% so với cùng kỳ; lũy kế đến hết 30 tháng 9 toàn tỉnh, có 11.169 doanh nghiệp.

Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, cùng với việc môi trường đầu tư được cải thiện, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện, điện tử, gia công linh kiện điện tử đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tăng vốn, tăng quy mô, tuyển thêm lao động.

Thời gian tới, Vĩnh Phúc tập trung tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp đã giúp Vĩnh Phúc sớm đạt và vượt chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư đã đề ra.

Thanh Thanh