Theo thông tin tại hội nghị, thời gian qua, NHNN đã ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn.

Hàng loạt chính sách đưa ra gỡ khó việc tiếp cận vốn

NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân; quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển thấp hơn 1 - 2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.

Mới nhất, ngày 14/3, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất này để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho khách hàng.

Năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14 - 15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với ngành/lĩnh vực, trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù.

Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn.

Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã triển khai nhiều chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19; cho vay đối với doanh nghiệp tại vùng khó khăn; cho vay lãi suất ưu đãi doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước…

Vẫn còn doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn

Mặc dù tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kết quả tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, và đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn phản ánh doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Về phía ngành Ngân hàng, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.

Về phía doanh nghiệp, do quy mô vốn, vốn chủ sở hữu; năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi; số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác; thiếu tài sản bảo đảm; không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.

Để gỡ khó cho việc này, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

NHNN sẽ tiếp tục triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh doanh theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ, trong đó đẩy mạnh triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất; đa dạng các hình thức triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

Nguyễn Điểm