Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều ngày 5/6. Vấn đề sở hữu chéo được các đại biểu quan tâm, nêu ý kiến.

Ngân hàng xuất hiện rủi ro, rất dễ xảy ra hiệu ứng domino

Dẫn lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022 - 2023, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị nhận định, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém diễn ra chậm chập, không đạt mục tiêu dự tính.

“Vụ việc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), bục ra vào tháng 10 năm ngoái, là một hệ lụy nặng nề nhưng tất yếu của vấn đề tôi đang đề cập”, ông Đồng nói. 

Đi vào nội dung cụ thể, ông Đồng nhấn mạnh, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống, do làm gia tăng một số rủi ro chính.

Đơn cử, rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con/cháu). 

“Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính”, ông Đồng phân tích.

Hay rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.

“Chẳng hạn như Baovietbank và PVcombank có cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ. Vụ việc Trương Mỹ Lan - Ngân hàng SCB; Tập đoàn Masan và nhóm cổ đông lớn tại Techcombank; nhóm cổ đông tại ACB...", ông Đồng dẫn chứng. 

Cũng từ câu chuyện SCB - Vạn Thịnh Phát, đại biểu Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhận định, tình trạng sở hữu chéo chưa giải quyết dứt điểm. Thêm nữa, việc xử lý ngân hàng yếu kém chậm trễ.

Pháp luật hiện nay đã có quy định các ngân hàng không được phép cho cổ đông của mình vay vốn. Theo đại biểu Đồng, thực tế chủ sở hữu lại có thể cho vay đối với các công ty, doanh nghiệp con của những cổ đông này. 

Đại biểu lo ngại, một khi giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối để dòng tiền chảy vào các dự án “sân sau” của mình. “Do mạng lưới phức tạp trong mối quan hệ sở hữu giữa các ngân hàng, khi xuất hiện rủi ro, rất dễ xảy ra hiệu ứng domino không chỉ trong hoạt động ngân hàng”, ông Đồng nhận định. 

Theo phân tích của đại biểu, ban đầu rủi ro xảy ra với một hoặc một vài tổ chức riêng lẻ, sau đó sẽ nhanh chóng lan ra các tổ chức, doanh nghiệp bởi quan hệ giữa dòng vốn đầu tư, cho vay của các ngân hàng. Điều này sẽ tạo ra rủi ro lan truyền giữa khu vực trong thị trường tài chính và tới các khu vực của nền kinh tế thực.

“Cần thiết phải rà soát đồng bộ hệ thống pháp luật để thắt chặt, hạn chế những vụ việc quy mô lớn, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính, đặc biệt sau sự việc SCB - Vạn Thịnh Phát gần đây”, ông Đồng góp ý.

Vẫn có thể “vô hiệu hóa” quy định giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông 

Để hạn chế sở hữu chéo, dự thảo luật có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%.

Theo ông Đồng, quy định này vẫn có thể bị vô hiệu hóa. “Để lách các quy định trên, các cổ đông sở hữu số vốn nhỏ hơn 5% vốn điều lệ lại ủy quyền cho những cá nhân tổ chức không liên quan với mình để đầu tư thêm vào ngân hàng đó”, ông nói.

Xét ở khía cạnh thông lệ quốc tế, theo Điều 55 luật hiện hành, tỷ lệ sở hữu cổ phần/1 cá nhân (5%) đã khá tiệm cận với quy định của một số nước trong khu vực, cụ thể: Hàn Quốc, Malaysia 10%; Trung Quốc, Thái Lan 5%, … 

Do vậy, ông Đồng cho rằng, cần làm rõ cơ sở của việc đề xuất tỷ lệ giảm xuống 3%, cũng như cần kèm theo lộ trình phù hợp để các cổ công hiện hữu thực hiện thoái vốn.

“Thay vì giảm tỷ lệ thì có thể nâng số lượng thành viên tối thiểu của hội đồng quản trị từ 5 lên 7 hoặc 9 thành viên quy định tại Điều 62 được không?”, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị nói và đề nghị, làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo có xuất phát từ quy định của pháp luật hiện hành hay không.

Ngoài ra, để hạn chế tác động tiêu cực từ sở hữu chéo, theo ông Đồng, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng công bố thông tin với tất cả các cổ đông là tổ chức, cá nhân và nhóm người có liên quan sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, để tăng tính minh bạch về sở hữu và đảm bảo an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng.

“Đặc biệt là có thể nghiên cứu xem xét mở "room" cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút dòng vốn "ngoại" - vừa là nguồn tiền thật để tái cơ cấu ngân hàng, vừa góp phần cải thiện công nghệ quản trị công ty trong ngân hàng”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu.

Các ngân hàng thương mại có phần cũng phải tăng cường giám sát nội bộ với các quan hệ sở hữu chéo phát sinh.

Vì còn nhiều nội dung chưa chắc chưa rõ, đại biểu Đặng Ngọc Huy thì đề nghị đưa Luật Các tổ chức tín dụng chuyển sang thông qua theo quy trình ba kỳ họp.

Về giới hạn cấp tín dụng với một khách hàng, khách hàng và người có liên quan, dự thảo luật điều chỉnh giảm từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng.

Ông Đồng đề nghị cân nhắc thời điểm áp dụng. Bởi lẽ so với chuẩn mực quốc tế, quy định mới này đang khắt khe hơn một số nước trong khu vực Châu Á. 

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn suy yếu thì việc siết giới hạn cấp tín dụng sẽ có thể ảnh hưởng đến nguồn lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm và cho cả giai đoạn 2021-2025”, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh. 

Cần cấm ngân hàng bán bảo hiểm nhân thọ

Cũng thảo luận tại tổ, một số đại biểu đề nghị, lần sửa đổi này cần cấm nhân viên ngân hàng tư vấn bán “chéo” sản phẩm bảo hiểm, “ép” khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm để được vay vốn, môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định… 

Theo đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), hiện còn khoảng 800 ngàn tỷ trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý, số này được phát hành tại ngân hàng, do nhân viên ngân hàng tư vấn cho các nhà đầu tư.  

“Tư vấn được thực hiện ở ngân hàng nên nhà đầu tư nghĩ là ngân hàng bảo lãnh, nên nhiều nhà đầu tư chuyển từ gửi tiết kiệm sang trái phiếu”, ông Khải phản ánh.

Dù chưa có báo cáo đầy đủ về số trái phiếu sắp đến hạn trả nợ, nhưng theo đại biểu Khải, sửa luật lần này cần cân nhắc “luật bất thành văn” về bán trái phiếu tại ngân hàng để tránh rủi ro cho nhà đầu tư.

Ông Khải cũng đồng tình với việc cấm ngân hàng bán bảo hiểm nhân thọ. “Điều 105 của dự thảo cho ngân hàng thương mại được làm đại lý bảo hiểm nhưng lại chưa có chế tài cho hoạt động này, phải rất rõ trách nhiệm của ngân hàng trong bán bảo hiểm trái phiếu tại trụ sở”, ông Khải đề xuất. 

Hương Giang