Hiện, hàng loạt ngân hàng như: BIDV, VPBank, MB, BIDV, ACB, OCB... từ đầu năm đến nay cũng đã có nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ - dành riêng cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - với mức lãi suất dao động từ 5,5% đến 6,5% một năm.

Thống kê của VIS Rating trong nửa đầu năm 2024 cho biết, lượng phát hành trái phiếu mới lên tới 202.4000 tỷ đồng, trong đó 70% được phát hành bởi khối ngân hàng.

So với gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng từ 5,5 đến 6% một năm như hiện tại, trái phiếu của ngân hàng là kênh đầu tư hấp dẫn hơn về lãi suất, tuy nhiên sẽ phù hợp với những người có dòng tiền nhàn rỗi trong dài hạn. Về phía ngân hàng, việc phát hành trái phiếu giúp họ đảm bảo được nguồn vốn trung dài hạn, qua đó đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn.

Ngân hàng Phát triển nông nghiệp và nông thôn (Agribank) cũng đã phân phối thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho hơn 5.000 nhà đầu tư trong một tháng.

Lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Agribank có lãi suất năm đầu lên gần 6,7% một năm. Trong các năm tiếp theo, lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2% một năm. Trong 5 năm cuối trước khi đến hạn, nếu Agribank không mua lại theo quyền, biên độ lãi suất của trái phiếu lên tới 3% một năm.

FinnRatings nhận định, trái phiếu ngân hàng được kỳ vọng có một năm bận rộn hơn các năm trước. Giải ngân tín dụng sẽ được đẩy mạnh hơn trong nửa cuối 2024. Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn cổ phần hoặc vốn nợ, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu, FinnRatings nhận định.

Uyên Uyên