Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Đáng chú ý, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm.

Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Theo các chuyên gia, biện pháp hạ lãi suất điều hành nhằm mục đích để các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy nhanh tăng trưởng.

Đây là lần thứ 3, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành trong năm 2023. Động thái này của nhà điều hành diễn ra khi lãi suất cho vay vẫn leo cao mặc dù trước đó đã 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành trong tháng 3/2023 với mức giảm từ 0,5 - 1 điểm %/năm.

Lý giải việc lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra nhiều nguyên nhân như việc phụ thuộc nhiều vào kênh cung ứng vốn từ hệ thống ngân hàng, đồng thời, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước.

Bên cạnh đó, Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ làm giảm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, gây áp lực lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất.

Nguyễn Điểm