Licogi tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước nằm trong danh sách những doanh nghiệp chuyên ngành mạnh của Bộ Xây dựng, có mặt trên nhiều công trình trọng điểm của quốc gia.

Ngày 11/12/2014, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cổ phần hoá Công ty mẹ- Tổng Công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi). Tháng 4/2015, Licogi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng và sau đó ký hợp đồng bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty TNHH Kinh doanh và bất động sản Khu Đông, với tỷ lệ sở hữu là 35% vốn điều lệ.

Hiện, Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 40,71% vốn Nhà nước tại Licogi.

Tuy nhiên, sau khi cổ phần hoá, Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 của Tổng Công ty Licogi - CTCP (Licogi, mã chứng khoán LIC) bị đơn vị kiểm toán nhấn mạnh nội dung tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 1.470 tỷ đồng.

Theo đó, tài sản ngắn hạn tại 31/12/2018 của Licogi là hơn 2.044 tỷ đồng, song nợ ngắn hạn là hơn 3.514 tỷ đồng. Trong số nợ này, có hơn 1.813 tỷ đồng là vay và nợ thuê. Nhiều nhất là công ty mẹ với hơn 832 tỷ đồng.

Tại báo cáo hợp nhất kiểm toán 2017 của Licogi, kiểm toán viên cũng nhấn mạnh khoản nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 1.257,6 tỷ đồng. Việc này cùng với một số vấn đề khác là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Licogi.

Trước đó, báo cáo hợp nhất kiểm toán 2016, đơn vị kiểm toán PWC nhấn mạnh khoản lỗ hợp nhất sau thuế hơn 437 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần hợp nhất âm 126 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 1.050 tỷ đồng.

Nợ lớn khiến Licogi phải trả lãi suất vốn vay hơn 109 tỷ đồng trong năm 2018, hơn 141 tỷ đồng năm 2017 và hơn 147,6 tỷ đồng của năm 2016. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, Licogi tiếp tục báo lỗ hơn 71 tỷ đồng trong nửa đầu năm, và nợ phải trả của LIC đã gấp 10 lần vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, doanh thu trong quý của Licogi giảm 35% so với cùng kỳ năm trước, còn 406 tỷ đồng. Licogi cho hay doanh thu trong quý giảm là do sự khó khăn chung của thị trường xây dựng trong nước và sự sụt giảm doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cơ khí Đông Anh Licogi.

Trừ các chi phí, Licogi báo lỗ ròng trong quý gần 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 28 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu của Licogi giảm 29%, ghi nhận gần 870 tỷ đồng; lỗ ròng 71 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 9 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, Licogi đã lỗ luỹ kế hơn 600 tỷ đồng, chiếm hết 2/3 vốn góp của chủ sở hữu.

Đáng chú ý, nợ phải trả của Licogi đã vọt lên hơn 4.124 tỷ đồng, chiếm đến 91% tổng nguồn vốn, tương ứng gấp hơn 10 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, các khoản nợ vay ngắn hạn hơn 1.800 tỷ đồng, khoản nợ vay dài hạn gần 113 tỷ đồng.

Trước đó, báo cáo kiểm toán 2016 cho thấy Licogi lỗ hợp nhất hơn 436,6 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ hơn 414 tỷ đồng. Năm 2017, các khoản lỗ này lần lượt là 71,7 tỷ đồng và 66,3 tỷ đồng. Kể từ sau cổ phần, 2018 là năm duy nhất Licogi có lãi 46,5 tỷ đồng (hợp nhất) và 29,9 tỷ đồng (riêng).

Ông Đinh Việt Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Licogi cho biết, thực trạng Licogi hiện nay là cực kỳ khó khăn. Nguy cơ mất vốn là hoàn toàn có cơ sở nếu vẫn giữ bức tranh hoạt động như hiện nay mà không có sự tái cấu trúc mạnh về cổ đông và quá trình đầu tư, hỗ trợ về tài chính. Thực trạng trên dẫn đến hoạt động của Licogi sẽ ngày càng đi xuống. Hiện, SCIC đã có báo cáo gửi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về tình trạng khó khăn tại Licogi và đang chờ chỉ đạo.

Liên quan đến tình trạng sản xuất kinh doanh tụt dốc nghiêm trọng như hiện nay, nhiều đơn thư tố cáo liên tục được gửi tới các cấp, các ngành đề nghị làm rõ dấu hiệu bất thường, biểu hiện lợi ích nhóm trong quá trình cổ phần hoá, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh… tại Licogi sau khi cổ phần hoá.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Hoàng Long