Với chiếc điện thoại thông minh, bà Triệu Thị Kiên, thôn Hồ Sen, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình đã giới thiệu về sản phẩm bưởi da xanh, ổi Đài Loan... lên mạng xã hội, được nhiều khách hàng mua. Hiện gia đình bà có 4ha gỗ rừng trồng, trên 300 gốc bưởi da xanh và ổi.

Bà Kiên cho biết, 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các sản phẩm không tiêu thụ được. Nhờ có cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn cho gia đình sử dụng điện thoại thông minh bán hàng trực tiếp trên Facebook, Zalo... đã giúp gia đình tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, trừ chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Gia đình ông Hoàng Thanh Nghị, thôn Làng Cần, xã Đại Minh, huyện Yên Bình hiện có trên 80 gốc bưởi Khả Lĩnh có tuổi đời từ 30 đến 45 tuổi. Với kinh nghiệm lâu năm nên bưởi của gia đình ông rất ngon và đạt tiêu chuẩn VietGap, được nhiều khách hàng đặt mua. Ông Nghị cho biết, nhờ sử dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm nên thương lái đặt mua toàn bộ vườn bưởi của gia đình ông để cung cấp bán ra thị trường Hà Nội.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn, Hội Nông dân huyện Yên Bình và chính quyền địa phương đã hướng dẫn hợp tác xã (HTX) giới thiệu sản phẩm trên một số sàn thương mại điện tử, mạng xã hội như bán hàng trực tiếp trên Facebook, sàn thương mại điện tử voso.vn... Nhờ đó, HTX thu mua trên 200 tấn bưởi, trong có từ 30 - 40 tấn đảm bảo các tiêu chuẩn được đưa vào các siêu thị ở Hà Nội, Thái Bình và Yên Bái... với giá bán tăng từ 2 - 3 lần, doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022, HTX thu mua trên 230 tấn quả, nâng giá trị sản phẩm của bưởi đặc sản Đại Minh.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái Hoàng Xuân Long cho biết, xác định muốn chuyển đổi số thành công phải bắt đầu từ người nông dân. Bởi vậy, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho hội viên. Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm, giới thiệu đơn vị cung cấp nền tảng chuyển đổi số để các HTX, hội viên chủ động kết nối, lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

9 tháng năm 2022, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân; chủ động liên kết với các trung tâm nghiên cứu, các viện khoa học, các doanh nghiệp phối hợp chuyển giao ứng dụng sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, gắn với phát triển sản xuất theo hướng bền vững với bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình cây, con năng suất hiệu quả cao.

Đến nay, Hội Nông dân các cấp đã liên kết với trên 30 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp cho nông dân trên địa bàn. Phối hợp Bưu điện tỉnh ký kết thu thập thông tin 40 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.

Có 10 nghìn hộ được cấp tài khoản trên Postmart.vn với 108 sản phẩm OCOP của hội viên được giới thiệu như: Chè Bát tiên Minh Bảo, chè Shan tuyết Púng Luông, cao cà gai leo Viễn Sơn, gạo Séng cù Mường Lò, mật ong Vân Hội, sơn tra, miến Giới Phiên, măng khô nứa tép… 

Ngoài ra, Hội còn triển khai chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn cho hội viên. Qua đó, hỗ trợ chuyển đổi số, tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế…

Dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song trên thực tế việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị của nông dân vẫn còn sơ khai bởi “rào cản” lớn nhất vẫn là làm sao để thay đổi được tư duy của người nông dân sản xuất theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị công nghệ còn rất hạn chế...

Để thích ứng với chuyển đổi số, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa. Cùng với đó, người nông dân cũng phải tích cực chủ động học hỏi để bắt nhịp với xu hướng sử dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, đặc biệt là việc chủ động đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, nâng cao giá trị nông sản.

Bùi Bình