Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh gần 770.000 người (lao động khu vực thành thị chiếm 23,81%; lao động khu vực nông thôn chiếm 76,19%). Trong đó, số lao động trong độ tuổi có việc làm khoảng 620.000 người.

Giai đoạn 2016 - 2022, số lượng, chất lượng lao động của tỉnh được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, từng bước chuyển dịch kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên, tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo của tỉnh vẫn còn cao, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt thấp, cuối năm 2022 mới đạt 28,65%.

Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ, chế độ lương, đãi ngộ còn chưa cao, chưa thu hút nhiều lực lượng lao động trong tỉnh (khoảng 160.000 người làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh)…

Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030 sẽ có 10 khu công nghiệp, 18 cụm công nghiệp và nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư. Vì vậy, tỉnh cần số lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn cao.

Dự kiến, nhu cầu lao động mới tuyển dụng vào làm việc tại các khu công nghiệp giai đoạn 2023 - 2025 là 66.000 lao động, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200.000 lao động.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, tình hình thị trường lao động của cả nước, của vùng và của tỉnh Sóc Trăng vẫn có hạn chế như: Chất lượng lao động chưa cao, việc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động; cầu lao động chưa hiện đại nên số lượng lao động phi chính thức, lao động làm việc trong ngành nông, lâm, thủy sản còn chiếm tỷ trọng lớn…

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị tỉnh Sóc Trăng tập trung rà soát, chủ động ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trên địa bàn tỉnh về việc làm, giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội, tập trung vào 3 nội dung: Kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh xã hội bền vững.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, các giải pháp cần tính tới sự liên kết giữa các tỉnh, liên kết vùng; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phục vụ các ngành mũi nhọn, có khả năng tạo động lực và dẫn dắt các ngành khác phát triển…

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, đánh giá, thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp, cách làm nhằm giúp tỉnh Sóc Trăng triển khai có hiệu quả công tác nâng cao chất lượng nguồn lao động trong thời gian tới, gắn với thực tiễn của địa phương.

Xuân Cảnh