Sau Tết, anh Nguyễn Minh (28 tuổi, Sơn La) đã xuống Hà Nội ngay để làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu Orkin theo đúng lịch.

Anh Minh cho biết, một số bạn bè anh trước Tết có dự tính ra Tết sẽ tìm công việc khác để phù hợp với năng lực và thu nhập cao hơn, nhưng nhiều năm qua anh Minh xác định lấy công ty này làm “bến đỗ” của mình vì nơi đây có công việc phù hợp với tay nghề, thu nhập ổn định, đặc biệt là chế độ cũng tốt, giúp anh yên tâm làm việc.

Còn với chị Mai Thị Hiên (Xuân Trường, Nam Định), sau Tết cũng nhanh chóng quay trở lại Hà Nội để tìm việc phù hợp với tay nghề.

Những ngày qua, dạo quanh các khu công nghiệp Bắc và Nam Thăng Long thấy một số công ty đăng tuyển dụng lao động với nhiều ngành nghề khác nhau, chị Hiên hy vọng mình sẽ tìm được công việc phù hợp với mức lương 10 - 12 triệu đồng/1 tháng.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau Tết, lao động trở lại làm việc chiếm tỷ lệ trên 90%. Một số doanh nghiệp còn tăng ca, tuyển thêm lao động để kịp hoàn thiện đơn hàng ngay trong những ngày đầu năm.

Tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Dương, tình hình lao động trở lại làm việc tại doanh nghiệp trên các địa bàn này cơ bản ổn định do doanh nghiệp có nhiều chính sách giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng có các chế độ khuyến khích công nhân quay trở lại nhà máy đúng ngày như có xe đưa đón, lì xì đầu năm,... 

Theo nhận định của các chuyên gia việc làm, sau Tết, tình hình công nhân lao động quay lại sản xuất, làm việc ổn định, tư tưởng phấn khởi, không có xu hướng bỏ việc, "nhảy việc" như những năm trước. Đáng chú ý, thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình hình quan hệ lao động trên nhiều địa bàn hài hòa, đoàn kết, phấn khởi; các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh cùng các doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần để người lao động đón một cái Tết đầm ấm, vui tươi.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO Công ty Xuất nhập khẩu Orkin tại Hà Nội cho biết, đầu năm nay các đơn hàng đều tăng so với cùng kỳ các năm trước. Vì vậy nhu cầu lao động với doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, công ty đã tổ chức nhiều sự kiện khai trương tại các tỉnh, thành nhằm thu hút các đơn vị, khách hàng. Doanh nghiệp có thêm đơn hàng, công nhân có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, để lao động yên tâm gắn bó, doanh nghiệp thực hiện thêm nhiều chế độ chăm lo cho người lao động. Có thể nói, với người lao động, khởi đầu năm mới với công việc ổn định, mang đến nhiều kỳ vọng về một năm làm việc suôn sẻ, thuận lợi.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, sau Tết, các sàn giao dịch việc làm theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến liên tục được tổ chức. Báo cáo về Bộ LĐTB&XH, ngành Lao động các địa phương cho biết, đang xây dựng dữ liệu chung để liên kết cho cung - cầu lao động gặp nhau.

Theo dự báo của Bộ LĐTB&XH, nhu cầu thị trường lao động trong quý I năm nay là 51,7 triệu người, tăng 217.000 người so với quý trước. 3 ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là chế biến thực phẩm tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%.

Báo cáo triển vọng thị trường lao động năm 2024 cũng cho thấy, dù có những biến động trong thị trường tuyển dụng, nhưng 59,1% doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ tuyển dụng thêm khoảng 25% nhân sự trong năm 2024. Dự báo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có thể lên đến hàng trăm nghìn người trong quý 1/2024.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, kinh tế tiếp tục còn đối mặt khó khăn, thách thức nhưng thị trường lao động Việt Nam đang có những tiến triển nhất định.

Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp có những đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và nhiều dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại. Xuất khẩu lao động cũng được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới, khi nhu cầu thị trường thế giới tăng.

Cùng với đó, nhu cầu trong nước cũng đang phục hồi, đầu tư công và đầu tư tư nhân dự kiến sẽ phục hồi. Đáng lưu ý, cải cách tiền lương trong năm 2024 cũng được kỳ vọng sẽ tạo sức mua lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế. Những yếu tố này sẽ có tác động lớn đến thị trường lao động phục hồi trở lại.

Phương Anh