Từ những chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, những năm qua, Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương đặc biệt khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.

Đặc biệt với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài những chính sách chung của cả nước, tỉnh Hà Tĩnh đã có những chính sách riêng để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo bền vững. Điển hình như huyện Hương Khê có 4 bản dân tộc thiểu số, với gần 280 hộ, gần 1.000 nhân khẩu đang từng bước thoát nghèo bền vững.

Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ven rừng thuộc địa bàn các xã khó khăn, biên giới; diện tích đất canh tác ít, sản xuất lương thực không đủ ăn, nên trước đây chủ yếu dựa vào trợ cấp của Nhà nước; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và phúc lợi xã hội yếu kém.

Thực hiện Đề án Phát triển đồng bào dân tộc thiểu số, các bản dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh ngày càng đổi thay đáng kể. Ghi nhận tại bản Rào Tre với 43 hộ, 150 khẩu (xã Hương Liên, huyện Hương Khê), nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển đồng bào dân tộc Chứt đã được triển khai...

leftcenterrightdel
Chăn nuôi gia súc đang mang lại nguồn thu nhập cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số tại Hà Tĩnh. Ảnh: TQ 

Đến nay, đồng bào khai hoang, cải tạo mở rộng được trên 80 ha (gồm đất ở và đất sản xuất, tăng 78 ha so với năm 2014); các hộ trong bản đã cơ bản xóa nhà tranh tre tạm bợ; hỗ trợ làm mới 15 nhà, sửa chữa 20 nhà; đầu tư nâng cấp bê tông hóa 2,7km đường giao thông; xây dựng trạm biến áp và đường điện hạ thế cung cấp điện sinh hoạt; cung cấp nước sạch, kiên cố hóa kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất... với tổng nguồn đầu tư từ ngân sách và nguồn xã hội hóa gần 50 tỷ đồng.

Trong công tác đoàn kết dân tộc thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phải kể đến vai trò của kinh tế hợp tác trong việc đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất, giải quyết việc làm và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân; giúp xóa đói giảm nghèo; lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và là nền tảng phát huy nội lực, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Để thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại bản nghèo xã Hương Liên, chính quyền địa phương xác định không thể thiếu vai trò trụ cột của kinh tế hợp tác để đoàn kết, tập hợp người dân tham gia.

Năm 2016, Tổ hợp tác Môi trường xã Hương Liên được thành lập, ban đầu chỉ có 7 thành viên. Đến nay, đã thu hút thêm hàng chục thành viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã cùng tham gia.  

Tương tự, trong phong trào xây dựng NTM ở vùng dân tộc thiểu số xã Hương Trạch, lãnh đạo xã cho biết, nhận thấy xã có tiềm năng và lợi thế về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là về trồng cây ăn quả, chính quyền đã hỗ trợ giúp bà con thu được những kết quả nhất định. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã có hơn 1.000 hộ trồng mới bưởi Phúc Trạch, cam các loại với tổng diện tích khoảng 170ha. Để được hưởng chính sách của tỉnh, huyện và đưa Hương Trạch trở thành xã có số lượng hộ dân hấp thụ được chính sách hỗ trợ về trồng mới bưởi Phúc Trạch, cam các loại nhiều nhất trong toàn huyện.

Để thu hút người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã cùng tham gia chuyển đổi cây trồng, chính quyền địa phương đã thành lập mới 25 tổ hợp tác trồng bưởi Phúc Trạch trên địa bàn xã.

Ông Cao Song Giang, dân tộc Mường, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho biết, hầu hết vườn của các thành viên trong tổ hợp tác đã có nhiều thay đổi rõ rệt, cơ bản không còn vườn hoang mà thay vào đó là những vườn trái cây trĩu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn xã; thu nhập từ bưởi Phúc Trạch của xã tăng từ 29 tỷ đồng trong năm 2015 lên 44 tỷ đồng trong năm 2020. Mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng dự kiến thu nhập từ bưởi của xã năm 2021 cũng tương đương năm 2020.

leftcenterrightdel
 Mô hình nuôi vịt đàn của một hộ dân. Ảnh: TQ

Thành công từ mô hình tổ hợp tác, đến nay, xã Hương Trạch tập hợp các cơ sở sản xuất kinh doanh thành lập mới 2 hợp tác xã trên địa bàn gồm Hợp tác xã Quản lý môi trường, Hợp tác xã Mật ong Hương Bưởi.

Đến nay, xã Hương Trạch đã đạt 6/7 tiêu chí NTM nâng cao, gồm các tiêu chí: Quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội; sản xuất - việc làm - thu nhập - hộ nghèo; giáo dục - y tế - văn hóa; an ninh trật tự - hành chính công; khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Một tiêu chí chưa đạt đó là tiêu chí cảnh quan - môi trường.

Không chỉ có huyện Hương Khê, một số huyện nghèo tại tỉnh Hà Tĩnh cũng đang dần "thay da đổi thịt" nhờ các chính sách xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số.

Thực tiễn cho thấy, nếu phát huy được vai trò của kinh tế hợp tác sẽ là một trong những động lực góp phần đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.

Nhờ làm tốt công tác xoá đói giảm nghèo, nên Hà Tĩnh đã trở thành một trong những địa phương thuộc nhóm có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Tĩnh chỉ còn 3%, giảm 8,4%, hộ cận nghèo còn 4%, giảm 4,4% so với đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trần Quý