Hà Nội hiện có 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá,13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour.

Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới, đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng dễ dàng hơn.

Từ năm 2021 - 2024, Hà Nội có thêm 2 tuyến tàu điện, Metro Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội kết nối với xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, sản lượng hành khách vẫn chưa được như kỳ vọng.

Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2024, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đáp ứng 22 - 25% nhu cầu đi lại. Con số này phải đạt tối thiểu 30% vào năm 2025.  

Theo ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông TP Hà Nội, ước đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 19,5% tổng nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, lượng hành khách đi lại thường xuyên (học sinh, sinh viên, người đi làm, đối tượng ưu tiên - người cao tuổi) chiếm 70% sản lượng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành khách ít tham gia phương tiện giao thông công cộng, tập trung ở 4 nhóm chủ yếu như: Do đại dịch Covid-19 kéo dài từ 2020 đến gần cuối năm 2022 tác động nghiêm trọng đến VTHKCC; tiến độ đưa vào vận hành hệ thống đường sắt đô thị chưa đạt như kỳ vọng. Đến nay mới chỉ có tuyến 2A và đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội được đưa vào khai thác; thành phố đang triển khai một số công trình trọng điểm, thời gian vận hành của xe buýt vì thế bị ảnh hưởng và do cơ sở hạ tầng giao thông, ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, thời gian đi lại của hành khách chưa đáp ứng được yêu cầu.

leftcenterrightdel
 Đổi mới công tác dịch vụ là một trong những yếu tố để thu hút hành khách tham gia VTHKCC. Ảnh: TQ

Để thu hút được người dân tham gia phương tiện VTHKCC, theo ông Nghiêm Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội là rút ngắn thời gian đi lại cho người dân khi sử dụng dịch vụ. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, thời gian tốc độ lữ hành của VTHKCC ở Hà Nội đang ngày càng giảm, ước chừng mỗi năm giảm được 1km/h, tuy nhiên, tới đây, cần tiếp tục giảm mạnh để đáp ứng nhu cầu cho người dân, tăng sự cạnh tranh với các phương tiện cá nhân.

Nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên phục vụ trên xe đối với hành khách. Hiện nay, nhiều tuyến xe buýt, nhân viên có thái độ phục vụ rất tốt như Bảo Yến, Vinbus, và đặc biệt Metro Hà Nội, được người dân đánh giá cao. Cần phải phát huy hơn và làm tốt hơn nữa.

Nâng cao chất lượng phương tiện, hiện nay các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư, đổi mới phương tiện theo hướng hiện đại, tiện nghi.

Ông Thắng cho rằng, với chủ trương của Nhà nước tới đây sẽ thay thế phương tiện VTHKCC bằng phương tiện xanh, chất lượng sẽ ngày càng nâng cao.

Chú trọng mở rộng, bổ sung, đầu tư các điểm dừng, nhà chờ khách của VTHKCC, đi đôi với chất lượng.

Đánh giá về chất lượng vận tải hành khách công cộng hiện nay, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho rằng, phát triển giao thông công cộng gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, giao thông công cộng phục vụ những người không có phương tiện đi lại. Giai đoạn thứ 2 là phương tiện giao thông công cộng cạnh tranh với phương tiện cá nhân. Giai đoạn 3, phương tiện vận tải công cộng là sự lựa chọn yêu thích của người dân.

Theo ông Trường, xe buýt Hà Nội đang đứng giữa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 (cạnh tranh về giá cả, chưa cạnh tranh được về tính tiện lợi, thời gian chuyến đi từ điểm xuất phát đến điểm đích).

Với đường sắt đô thị, do đặc điểm tự nhiên vốn có, hiện nó đã ở giai đoạn 2, cạnh tranh cả về tính tiện lợi, thời gian chuyến đi, giá cả.

Muốn phương tiện vận tải công cộng hút khách, trước tiên chúng ta cần xác định rõ, VTHKCC đang đứng ở đâu. Tiếp đến là triển khai quyết liệt, đồng loạt các giải pháp, thay đổi nhận thức và phải có tư duy đột phá, mục tiêu về giao thông công cộng ở các đô thị lớn mới có thể đạt được.

Theo ông Trường, Nhà nước có chính sách trợ giá cho VCHKCC để thu hút người dân sử dụng, nhất là vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc. Ta đang tận dụng năng lực để giảm trợ giá, còn mục tiêu chính là cần người dân đi vào giờ cao điểm.

Với sự đầu tư, cố gắng của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, kết quả có được thời gian qua cũng cần được ghi nhận, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để VTHKCC có thể phát triển hơn trong thời gian tới.

Chia sẻ về giải pháp thu hút hành khách đối với VTHKCC, chuyên gia Phan Lê Bình cho biết, đối với đường sắt đô thị do có đặc trưng riêng, có lợi thế lớn vì không phải cạnh tranh đường đi với các phương tiện khác. Nhưng với xe buýt thì có nhiều hạn chế hơn. Theo ông Bình, dù đưa ra mục tiêu đến năm 2030 - 2035 hoàn thành thêm 6 tuyến đường sắt đô thị nữa, tuy nhiên đây là mục tiêu rất khó để làm được.

“Để phục vụ người dân tốt hơn, hành khách có thiện cảm hơn với VTHKCC, chúng ta không mất gì khi cúi chào hay gửi đến hành khách một lời cảm ơn. Muốn VTHKCC hút khách, cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ. Cùng đó, các nhà quản lý cũng cần thay đổi tư duy, tăng cường học hỏi kinh nghiệm bên cạnh việc nghiên cứu, nâng cao thu nhập cho nhân viên, người lao động, lái xe, phụ xe để có được một đội ngũ nhân lực tận tâm, gắn bó” chuyên gia Phan Lê Bình gợi ý.

 

 

 

 

Trần Quý