Tại dự thảo tờ trình, Bộ LĐTB&XH cho biết, cơ chế tiền lương, tiền thưởng hiện hành đang bộc lộ những hạn chế, bất cập,  có sự phân biệt giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước; chính sách tiền lương quy định nguyên tắc chung gắn tiền lương với năng suất lao động và hiệu quả nhưng chưa có sự phân biệt rõ theo quy mô năng suất và hiệu quả, giữa doanh nghiệp dẫn đến có chênh lệch khá lớn tiền lương, nhất là tiền lương của người quản lý giữa các doanh nghiệp ở ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Bên cạnh đó, tiền lương của người quản lý mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với các chức danh quản lý tương đương trên thị trường nên chưa tạo được động lực cho những người quản lý giỏi.

Thẩm quyền đánh giá, quyết định mức lương của người quản lý chưa phù hợp, trong đó đại diện chủ sở hữu (hội đồng thành viên, kiểm soát viên) vẫn hưởng lương chung với ban giám đốc, do doanh nghiệp chi trả, làm giảm tính khách quan, độc lập và hiệu quả trong giám sát, chỉ đạo doanh nghiệp.

“Để giải quyết những bất cập, hạn chế trong cơ chế tiền lương hiện hành, đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ nội dung cải cách tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương và Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị thì việc xây dựng nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước là rất cần thiết”, Bộ LĐTB&XH nêu rõ.

Theo Bộ LĐTB&XH, việc xây dựng nghị định trên quan điểm bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đúng định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Khắc phục được những tồn tại, hạn chế, đồng thời, kế thừa những kết quả, ưu điểm của cơ chế tiền lương hiện hành về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động, ban điều hành, hội đồng thành viên/hội đồng quản trị, kiểm soát viên trong doanh nghiệp Nhà nước.

Đồng thời bảo đảm đồng bộ và bao trùm chính sách tiền lương theo nguyên tắc doanh nghiệp có năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh không giảm thì không giảm và có cải thiện tiền lương, tiền thưởng so với trước khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Dự thảo nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước gồm 6 chương, 30 điều. Các nội dung trong dự thảo nghị định này sẽ quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020.

Trong đó, việc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước dự kiến sẽ tuân thủ các nguyên tắc: Lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng (bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương) trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường.

Dự thảo nghị định cũng quy định, Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn Nhà nước tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị hoặc đại hội đồng cổ đông.

Phương Anh