Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/HU ngày 30/3/2016 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Như Xuân về đẩy mạnh cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện Như Xuân đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, nhất là DTTS với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm chuyển tải mục đích, ý nghĩa cũng như quyền lợi và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân đối với công tác cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu gắn với phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện lồng ghép nội dung cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu trong các chương trình tuyên truyền, vận động về phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại cấp cơ sở.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho công tác cải tạo vườn tạp, huyện Như Xuân đã triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới với nội dung cải tạo vườn tạp gắn với phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng trồng tập trung những loại cây có giá trị kinh tế cao như mít thái, bưởi diễn, bưởi da xanh, ổi lê đài loan, táo đài loan, thanh long ruột đỏ... Từ đó, dần hình thành những chuỗi sản xuất sản phẩm trái cây ăn toàn trên địa bàn huyện, xây dựng thương hiệu trái cây Như Xuân hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc, xóa đói giảm nghèo, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường sống xanh sạch đẹp, xây dựng bộ mặt nông thôn mới khang trang, hiện đại.

Kết quả, từ năm 2016 đến năm 2020, toàn huyện Như Xuân đã huy động hơn 45.000 lượt đồng bào tham gia lao động trực tiếp tại địa phương để rào dậu vườn tược, chỉnh trang nhà cửa, phá bỏ cây trồng cũ kém hiệu quả, đào hố rác, trồng mới cây ăn quả, trồng rau, làm chuồng trâu bò. Trong đó cán bộ các phòng ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện là trên 3.000 lượt người, các tổ chức đoàn thể cấp huyện là trên 1.500 lượt người, cán bộ và đồng bào các xã, thị trấn trên địa bàn huyện là gần 40.500 lượt người.

Điểm mới trong cải tạo vườn tạp đem lại hiệu quả thiết thực là từ năm 2016, UBND huyện đã phát động phong trào thứ năm hàng tuần cán bộ các phòng ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện, Mặt  trận  Tổ  quốc và các đoàn thể, cán bộ các xã, thị trấn xuống tận hộ dân hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân cải tạo vườn tạp, từ đó việc cải tạo vườn tạp đã trở thành phong trào trên địa bàn toàn huyện.

Từ khi thực hiện nghị quyết, các đoàn công tác đã giúp đỡ, hướng dẫn trên 3.000 hộ dân trên địa bàn huyện thực hiện cải tạo vườn tạp với tổng diện tích lên tới hơn 750 ha, trong đó diện tích cải tạo, trồng mới cây ăn quả là 520 ha; diện tích trồng mới rau đậu, gừng, nghệ và các cây trồng khác là 230 ha; diện tích cải tạo vườn tạp bình quân hàng năm đạt 150 ha/năm, vượt 150% chỉ tiêu nghị quyết giao (100ha/năm).

Cuối năm 2015, diện tích cây ăn quả toàn huyện là 826,5 ha, trong đó diện tích cây ăn quả tập trung là 204,7 ha, sau 5 năm thực hiện tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 1.135ha, tăng 308,5 ha so với khi bắt đầu triền khai thực hiện nghị quyết, trong đó diện tích cây ăn quả trồng tập trung là 604,6 ha. Các xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất là Xuân Hòa 165,8 ha; Bãi Trành 64,6 ha; Xuân Bình 166,6 ha; Hóa Qùy 65,4 ha; Thanh Hòa 88,4 ha.

Kết quả phát triển cây có múi, trước năm 2016 bộ giống cây ăn quả trên địa bàn huyện chủ yếu là các giống cây địa phương đã thoái hóa hoặc các giống du nhập nhưng không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên có có năng suất thấp, chất lượng kém, như nhãn trơ, vải chua, vải thanh hà, mơ, mận, mít đã già cỗi, bưởi chua, xoài chua, táo chua, ổi...

Sau 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết, trên địa bàn huyện đã hoàn toàn thay đổi, chủ yếu là các giống cây ăn quả có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với canh tác thâm canh và có hiệu quả kinh tế cao, như cam lòng vàng, cam đường canh, bưởi diễn, bưởi da xanh, thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, ổi lê đài loan... Trong đó, diện tích cây có múi lên tới 401,9 ha, các vườn cây ăn quả trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa yêu cầu trình độ thâm canh cao, đòi hỏi phải đầu tư nhiều công chăm sóc, thu hoạch đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.500 lao động trên địa bàn huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện cải tạo vườn tạp, diện tích vườn trồng các loại cây tạp, có giá trị kinh tế thấp đã được thay thế bằng các giống cây ăn quả có năng suất cao, chất lượng tốt đã mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào, đồng thời việc thâm canh, xen canh các loại cây đã giúp nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích vườn. Đến năm 2020, trên địa bàn huyện Như Xuân có diện tích cam, bưởi cho thu hoạch đạt 223,6ha, năng suất bình quân 25 tấn/ha, cho thu nhập bình quân 480 triệu đồng/ha; diện tích ổi cho thu hoạch đạt 49,2ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha, cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha... Doanh thu từ các vườn cây ăn quả đã giúp nâng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích trồng trọt đạt 55 triệu đồng/ha, hoàn thành 100% mục tiêu nghị quyết.

Trao đổi với PV  Báo Thanh tra, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân cho biết, qúa trình triển khai thực hiện Nghị quyết 03 về cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây quả, nâng cao thu nhập cho đồng bào đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào các DTTS cải thiện cảnh quan, môi trường sống ngày càng xanh sạch đẹp bằng việc sắp xếp, bố trí, chỉnh trang lại vườn tược, chuồng trại, nhà cửa. Từ đây, đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn của huyện, đổi mới  tư duy của người dân trong việc vượt khó, tìm tòi, sáng tạo, tự chủ vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của gia đình, xã hội.

Đối với 6 xã vùng sáu thanh, đã tập trung cải tạo vườn tạp bằng các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt như rau xanh, bầu bí, mướp, nghệ đỏ, gừng, cây gai xanh, chuối tiêu hồng, đu đủ, gấc phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai. Đối với 9 xã còn lại và thị trấn Yên Cát, thực hiện cải tạo vườn tạp gắn với phát triển sản xuất rau an toàn và thâm canh các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, cam, quýt, thanh long ruột đỏ, mít thái xen canh với bí xanh, gấc, khoai mán vàng… Đồng thời, phát triển hình thức nuôi trồng kết hợp như nuôi ong dưới tán cây ăn quả; chăn nuôi gà dưới tán cây ăn quả; cải tạo ao thả cá kết hợp trồng cây ăn quả quanh bờ.

Để tạo điều kiện cho đồng bào tham gia cải tạo vườn tạp tìm được đầu ra cho sản phẩm, UBND huyện Như Xuân đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho đồng bào tiếp cận khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn về sản xuất rau, quả an toàn để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mang các sản phẩm chất lượng cao như cam Như Xuân, ổi Như Xuân, bưởi da xanh Như Xanh, mật ong Như Xuân, tinh bột nghệ Như Xuân...

Ngoài ra, UBND huyện còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hình thức liên kết hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt tại huyện. Hiện nay trên địa bàn huyện có 1 doanh nghiệp liên kết hỗ trợ về phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi là Công ty Nông nghiệp sạch Như Xuân. Các hợp tác xã trên địa bàn huyện cũng tích cực tham gia trong liên kết tiêu thụ sản phẩm với nông dân, đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trái cây như Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Thành Công ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cam, bưởi, ổi để tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đến nay, huyện Như Xuân đã xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như vùng trồng cam tại xã Xuân Hòa, vùng trồng dưa hấu tại Bãi Trành - Xuân Hòa - Xuân Bình, vùng trồng ổi lê đài loan tại xã Bãi Trành, vùng trồng bưởi da xanh, bưởi diễn tại xã Xuân Hòa - Bãi Trành - Xuân Bình, vùng trồng rau an toàn tập trung chuyên canh tại thị trấn Yên Cát và tại xã Hóa Qùy...

Văn Thanh