Nội dung này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu, sáng 3/3.

Chưa có các dự án đầu tư quy mô đủ lớn, tạo động lực bứt phá

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, doanh nghiệp Nhà nước ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế.

Năm 2023, tổng doanh thu của doanh nghiệp Nhà nước ước đạt khoảng 1,65 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng; đóng góp ngân sách ước khoảng 166 nghìn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp Nhà nước cũng tập trung thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm.

Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai: Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3,4; Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước còn bộc lộ một số hạn chế.

Một số doanh nghiệp Nhà nước chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao; một số doanh nghiệp Nhà nước hoạt động còn thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế.

Đáng lưu ý, chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, nhất là trong các lĩnh vực mới như: Sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao (sản xuất chip bán dẫn, hydrogen...).

Cần cơ chế, chính sách đặc thù cho doanh nghiệp Nhà nước

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, ông Dũng đề cập một số bài học kinh nghiệm.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu. Ảnh: N.Bắc 

Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để phát triển đất nước nhanh và bền vững cần phải phát huy tối đa và tập trung mọi nguồn lực doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ cho đầu tư phát triển, nhất các công trình hạ tầng quan trọng quốc gia, đầu tư nắm bắt các công nghệ cốt lõi, phát triển các ngành, nghề và sản phẩm mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

“Phải lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ quản lý doanh nghiệp Nhà nước có trình độ, kinh nghiệm quản lý giỏi; đồng thời, có chế độ tiền lương và lợi ích tương xứng với năng lực và kết quả quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Từ đó, ông đề nghị các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính.

Bên cạnh tiếp tục xây dựng thể chế, có các cơ chế, chính sách đặc thù để doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn thực hiện vai trò mở đường dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Các vướng mắc về cơ chế pháp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước cũng cần tháo gỡ triệt.

Với trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Dũng thông tin, đang hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực mới nổi.

Với các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Song song là sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế; tạo thế và lực cũng như cơ sở xây dựng định hướng phát triển, tầm nhìn chiến lược giai đoạn tiếp theo…

Sửa luật để phát huy tính tự chủ, dám nghĩ, dám làm

Nhận định năm 2024 tình hình cạnh tranh khai thác cảng và dịch vụ logistics ngày càng gay gắt, Chủ tịch Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn Nguyễn Năng Toàn kiến nghị sớm sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn Nguyễn Năng Toàn. Ảnh: N.Bắc

Khi sửa luật trên, theo ông Toàn, cần cụ thể hóa các quy định về vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và vốn của doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác…

“Việc này nhằm phát huy tính tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của người quản lý doanh nghiệp Nhà nước”, ông Toàn nói.

Chủ tịch Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đề nghị điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước theo hướng cho phép một số doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm liền, có các dự án đầu tư phát triển lớn, hiệu quả được chủ động giữ lại phần lợi nhuận sau thuế sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vốn điều lệ phục vụ đầu tư phát triển các dự án, đảm bảo khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, ông đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn được tiếp nhận, đầu tư và khai thác các cảng biển nước sâu có vị trí chiến lược; Bộ Tài chính xem xét cấp vốn trung và dài hạn đảm bảo cho Tổng Công ty được phát triển các dự án trọng điểm…

Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn trong năm 2023, lợi nhuận tiếp tục tăng trên 2 con số (+12,5%).

“Tân Cảng tiếp tục giữ vị trí số 1 Việt Nam với 56,8% thị phần cả nước, xếp thứ 16 trong nhóm 20 cụm cảng container lớn nhất thế giới, đảm bảo tốt việc làm và thu nhập cho người lao động”, ông Toàn cho biết.

Hương Giang