Khu BTTN Kon Chư Răng được thành lập từ năm 2004 với tổng diện tích 15.446 ha rừng đặc dụng, có lâm phần tiếp giáp với 3 tỉnh: Kon Tum; Quảng Ngãi; Bình Định. Đây là khu rừng có giá trị khoa học, là nơi lưu trữ, bảo tồn các giá trị sinh học cho thế hệ tương lai, phòng hộ cho các hồ thuỷ điện vùng hạ lưu sông Kôn, đồng thời chứa đựng tiềm năng du lịch sinh thái. Khu BTTN Kon Chư Răng nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, được xếp loại A tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học, trong đó có nhiều loài động, thực vật đặc hữu có ý nghĩa to lớn về khoa học.

Theo báo cáo của Khu BTTN Kon Chư Răng, hiện nay đơn vị đã thành lập 4 tổ bảo vệ rừng, dựng lán trại tại các vùng trọng điểm để quản lý bảo vệ rừng; ký quy chế phối hợp với 6 chủ rừng giáp ranh trong và ngoài tỉnh để tuần tra bảo vệ rừng, tổ chức truy quét lâm tặc trên địa bàn giáp ranh; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm, vận động người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng; thực hiện khoán 4.000 ha rừng cho 6 cộng đồng người dân vùng đệm…

 

Công việc hàng ngày của các cán bộ Kiểm lâm

 

Thời gian qua, đơn vị luôn chủ động tuần tra, kiểm tra rừng, phân công cho kiểm lâm viên phụ trách từng tiểu khu, trực canh gác các ngả đường mòn ra vào rừng. Đồng thời, kiểm lâm viên phải có trách nhiệm xuống thôn/làng nắm bắt thông tin, nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm lâm luật, nên rừng luôn được quản lý bảo vệ và phát triển tốt, các loài cây gỗ và động vật quý hiếm được bảo vệ nghiêm nghặt.

Kết quả kiểm kê rừng năm 2014 so với thời điểm đơn vị mới nhận giao quản lý thì diện tích rừng tăng mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, số lượng rừng giàu tăng, rừng nghèo, non giảm: Rừng giàu tăng gấp 2,9 lần; rừng trung bình giảm 1,3 lần; rừng nghèo, non giảm 29,5 lần; độ che phủ tăng 1,2%.

 

Phút giải lao hiếm hoi của lực lưởng tuần tra bảo vệ rừng

 

Trao đổi với phóng viên ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Khu BTTN Kon Chư Răng cho biết, qua tăng cường và nâng cao hiệu quả thực hiện công tác chuyên môn, số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng rất ít, tình hình về khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép cơ bản đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, do đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực vùng đệm vẫn còn nghèo, thiếu đất sản xuất và lạc hậu trong canh tác dẫn đến nguồn thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào việc thu hái lâm sản phụ trong rừng, từ đó gây khó khăn trong việc quản lý bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, tình hình khai thác lâm sản trái phép trong khu vực đang diễn biến phức tạp, lâm tặc hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt trong lâm phận của Khu bảo tồn vẫn còn nhiều loài cây gỗ quý hiếm. Ngoài ra, lực lượng cán bộ bảo vệ rừng quá mỏng dẫn tới rất khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, chưa có các trạm kiểm lâm bảo vệ rừng (Các cán bộ phải tự dựng các lán ngủ nghỉ trong rừng để quản lý và bảo vệ rừng); chưa có đường tuần tra bảo vệ rừng; chưa xây dựng nhà Hạt kiểm lâm, chưa có nhà làm việc Trung tâm GDMT&DVMT, … ảnh hưởng lớn tới thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng.

 

Cơm trắng, cá khô là những bữa ăn phổ biến của lực lượng tuần rừng

 

Trước những khó khăn, áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đơn vị đã chủ động vận dụng tiền từ Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) với hình thức thuê thêm hợp đồng bảo vệ vùng giáp ranh và mở rộng diện tích giao khoán bảo vệ rừng lên 4.000 ha cho 275 hộ dân vùng đệm. Với cách tổ chức thực hiện này, đến nay đã mang lại hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng, người dân được gắn trách nhiệm bảo vệ rừng thông qua công tác khoán quản lý bảo vệ rừng, người dân được tuyên truyền nâng cao nhận thức, tích cực tham gia bảo vệ rừng, tố giác lâm tặc, … Nhờ đó giúp đơn vị ngăn chặn kịp thời lâm tặc hoạt động trên địa bàn, răn đe các đối tượng khai thác rừng trái phép, thúc đẩy người dân tham gia vào việc quản lý bảo vệ rừng. Ngoài ra, tạo được công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nhận khoán thông qua việc chi trả DVMTR; góp phần gìn giữ, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Để tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng; bảo vệ bền vững số lượng và chất lượng rừng hiện có; duy trì và phát triển “Đa dạng sinh học”, đặc biệt bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, trong những tháng cuối năm Khu BTTN Kon Chư Răng đưa ra những giải pháp như sau: Củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ CB CNVC thực thi nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt lực lượng trực tiếp tại các Trạm kiểm lâm cửa rừng, chốt bảo vệ.

 

Tập thể CB CNV Khu BTTN Kon Chư Răng

 

Thường xuyên áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức sẵn sàng tố giác tội phạm; đổi mới phương pháp tuần tra, kiểm soát rừng, đồng thời bám sát địa bàn quản lý, tổ chức xây dựng mạng lưới thông tin trong quần chúng nhân dân nhằm phát hiện kịp thời những hành vi xâm hại tài nguyên; tiếp tục đổi mới mô hình giao khoán quản lý bảo vệ rừng, kể cả về số lượng, đối tượng, tổ chức tập huấn nghiệp vụ tuần tra cho lực lượng nhận khoán.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cấp xã, thôn và các đơn vị chủ rừng giáp ranh trong hoạt động ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, ngăn chặn tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.

 

Thác K50, địa điểm du lịch lý tưởng thuộc Khu bảo tồn

 

Bên cạnh đó, đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết dứt điểm biên chế công chức cho lực lượng Kiểm lâm các khu rừng đặc dụng theo đúng Nghị định 117/NĐ–CP,  kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục phân bổ kinh phí để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu bảo tồn theo Quyết định số 1328A của UBND tỉnh Gia Lai. Đặc biệt, quan tâm cho đầu tư 3 Trạm quản lý bảo vệ rừng; đường trục; đường tuần tra bảo vệ rừng kết hợp với du lịch trong Khu bảo tồn. Kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng giai đoạn 2013 – 2020, trên cơ sở đó đơn vị mới có thể triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái phù hợp với quy hoạch.

PV