Anh Phạm Văn Minh, một công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long chia sẻ, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covdid-19 nên học sinh được nghỉ. Vợ chồng anh phải gửi 2 con nhỏ về quê ngoại ở Nam Định để tiện đi làm. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Nếu phải nghỉ việc thì gia đình sẽ không thể có thu nhập hoặc thu nhập giảm đi, cuộc sống sẽ rất khó khăn.

Không chỉ các công nhân lao động, nhiều cửa hàng ăn uống tại thời điểm này cũng rơi vào tình trạng “thất thu” do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thậm chí, có những cửa hàng từ đầu năm nay không có doanh thu, phải tạm thời đóng cửa, đợi dịch qua để trở lại hoạt động.

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona liên quan tới lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, cho thấy, qua báo cáo của 30/63 tỉnh/thành phố, trong tổng số 181.597 doanh nghiệp, có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (chiếm 0,18%), 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh (chiếm 0,3%).

Bên cạnh đó, trong số 5.060 hợp tác xã, có 25 hợp tác xã tạm dừng hoạt động (chiếm 0,5%) và 5 hợp tác xã giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh (chiếm 0,09%). Ngoài ra, trong tổng số 298.212 hộ gia đình thì có 1 hộ tạm dừng hoạt động (chiếm 0,0003%), 2 hộ giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh (chiếm 0,0006%).

Cũng theo Bộ LĐTB&XH, qua báo cáo của 22/63 tỉnh/thành phố, trong tổng số 8.773 lao động bị ảnh hưởng thì ngành nông, lâm và thủy sản có 3.227 người (chiếm 36,8%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người (chiếm 25,7%); ngành vận tải, kho bãi có 1.121 người (chiếm 12,8%); ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có 665 người (chiếm 7,6%). Còn lại một số ngành khác cũng có lao động bị ảnh hưởng, nhưng số lượng không nhiều.

Cũng theo báo cáo này, số lao động bị mất việc là 1.027 người; chủ yếu rơi vào ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (365 người, chiếm 35,5%) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (106 người, chiếm 10,3%). Còn lại rải rác ở một số ngành khác.

Về tình lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hiện có 33.775 lao động Trung Quốc làm việc tại các địa phương đã được cấp giấy phép lao động, trong đó có 26.388 lao động Trung Quốc về nước ăn Tết. Đến nay, lao động Trung Quốc đa phần chưa quay lại làm việc. Việc quản lý và điều hành doanh nghiệp của lao động Trung Quốc chủ yếu thực hiện qua điện thoại và mạng internet, nên các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc quản lý và điều hành. 

Theo dự báo thị trường lao động trong quý I và cả năm 2020 trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, khả năng thiếu hụt lao động và dịch chuyển lao động trong bối cảnh các doanh nghiệp đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất do chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nguyên liệu ngừng hoạt động (các doanh nghiệp gia công cho các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp có đầu vào nguyên liệu phụ thuộc vào Trung Quốc…).

Trước thực trạng của dịch Covid-19, ngay từ đầu năm, Bộ LĐTB&XH đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch. Chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tới lĩnh vực lao động - việc làm xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành trong trường hợp dịch bùng phát tại Việt Nam. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh để chủ động phối hợp với các lực lượng quân đội, y tế và các địa phương nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, nhất là những địa phương có khả năng bùng phát dịch bệnh, để có phương án trợ giúp kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Bộ LĐTB&XH cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành hoặc tham mưu ban hành các văn bản có tính pháp lý cho việc quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là lao động Trung Quốc. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tới lĩnh vực lao động - việc làm xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành trong trường hợp dịch bùng phát tại Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ LĐTB&XH tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng tâm của năm 2020 trong lĩnh vực lao động - việc làm, xây dựng đề án hỗ trợ thị trường lao động đến năm 2030, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm tại địa phương, thực hiện các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm.

Phương Anh