Mảnh đất kiên trung bất khuất

Địa danh Củ Chi được thành lập từ cuối thế kỷ XII, thuộc tổng Bình Dương, huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Sau ngày 30/4/1975, chính quyền cách mạng được thành lập, quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa và quận Phú Hòa của tỉnh Bình Dương được sáp nhập vào địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thành một đơn vị hành chính gọi là huyện Củ Chi. Hiện nay, huyện Củ Chi có thị trấn Củ Chi và 20 đơn vị hành chính cấp xã.

Với vị trí địa lý nằm kề trung tâm đầu não của chính quyền miền Nam Việt Nam, tiếp giáp với tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An (là những vùng đất cách mạng), Củ Chi luôn là địa bàn trọng điểm, căn cứ địa cách mạng kiên trung trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đã có biết bao xương máu của quân và dân Củ Chi ngã xuống để giành lấy hòa bình, độc lập, tự do cho quê hương. Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, huyện Củ Chi có hơn 17.000 liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; phong tặng, truy tặng 33 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 772 mẹ Việt Nam Anh hùng. Có 2 đơn vị lực lượng vũ trang và 19/21 xã, thị trấn thuộc huyện đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Theo ước tính, từ năm 1954 - 1975, mảnh đất Củ Chi hứng chịu khoảng nửa triệu tấn bom, đạn và khoảng gần 500 tấn chất độc hóa học các loại; hơn 5.000 cuộc càn quét của quân đội Mỹ và tay sai.

Hàng trăm nghìn tấn bom đạn dội lên mảnh đất Củ Chi khiến ruộng đồng dày đặc các hố bom, vết đạn, cây cối ngã đổ xác xơ, hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy. Nhưng với tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc, quân và dân huyện Củ Chi đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Kinh tế phát triển bền vững, đa dạng

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), huyện Củ Chi chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Kinh tế nông nghiệp lạc hậu thấp kém mang tính tự cấp tự túc. Mặt khác, lực lượng lao động, trâu bò cày kéo, vật tư nông nghiệp khan hiếm, nhất là phân bón, thuốc trừ sâu, ruộng lúa hoa màu bị sâu rầy tàn phá khiến cho năng suất đã thấp lại càng thấp hơn. Vì vậy, Củ Chi cùng toàn Thành phố bước vào công cuộc cách mạng mới, tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn thử thách làm nên sự chuyển biến nền kinh tế nông nghiệp địa phương.

Để khôi phục và phát triển nông nghiệp, huyện chủ trương đẩy mạnh công tác nông nghiệp bằng các chương trình thủy lợi, khai hoang, xây dựng khu kinh tế mới, xây dựng nông trường, các tập đoàn sản xuất...

Toàn huyện tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, cùng Thành phố đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế đi dần vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

leftcenterrightdel

Trồng dưa lưới trong nhà màn tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao (Củ Chi). Ảnh: T.L 

Các số liệu cho thấy, nền kinh tế của huyện đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, thu nhập của người dân từng bước được nâng lên. Năm 2005, huyện Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”. Năm 2015, địa phương là huyện ngoại thành đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận huyện nông thôn mới.

Trong những năm qua, với xu thế phát triển chung, Củ Chi đã, đang là một huyện có tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học nhanh. Cùng với đó là quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ với 4 khu công nghiệp với hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động…

Các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại của huyện đang có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, qua đó cho thấy sự phát triển kinh tế bền vững, đa dạng của địa phương.

leftcenterrightdel

Một góc KCN Tây Bắc Củ Chi. Ảnh: T.L 

Đời sống người dân ngày càng được nâng cao

Theo báo cáo của UBND huyện Củ Chi, tính đến nay, toàn bộ các xã của huyện được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; đã có 13/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện vượt và đạt từ 90% trở lên. Công chức chuyên môn cấp huyện có trình độ đại học đạt 97,8%, công chức cấp xã đạt trình độ đại học đạt 97,4% (chỉ tiêu giao 97% trở lên). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,95%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi là 0,42% (chỉ tiêu giao dưới 5%); tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 100%…

Đến nay, 35 ngàn hộ gia đình chính sách có công trên địa bàn được chăm lo đời sống tinh thần và vật chất. 37 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đang được phụng dưỡng suốt đời, xây dựng 4.489 căn nhà tình nghĩa.

Cuộc sống người dân thay đổi với việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp không ngừng phát triển, tốc độ tăng trưởng hàng năm của huyện trên 7%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm. Huyện Củ Chi hiện sở hữu đàn bò sữa nhiều nhất so với các nơi khác trên cả nước.

Trong những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử văn hóa của người dân có chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng địa phương được tăng cường, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Với truyền thống anh hùng của người con vùng đất cách mạng và tiềm năng phát triển về kinh tế còn chưa được khai thác hết, các cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân Củ Chi đang hướng tới một thành phố - đô thị trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển bền vững trong các lĩnh vực thế mạnh.

Trung Khánh - Đình Thanh