Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của khu vực DNNN 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của khu vực DNNN trên cả nước 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế TNDN 67.403 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023.

Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực DNNN là 33.639 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp Trung ương như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ phát sinh 32.055 tỷ đồng, Tổng Công ty (TCT) Hàng không VN - CTCP lỗ phát sinh 1.317 tỷ đồng. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước là 67.233 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm 2023.

Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo, ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực DNNN năm 2023 ước đạt hơn 117,3 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước của DNNN cả năm 2023 ước đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.

Lỗ phát sinh ước tính năm 2023 các doanh nghiệp phát sinh lỗ khoảng 41.666 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp Trung ương như: EVN lỗ phát sinh 37.062 tỷ đồng, TCT Hàng không VN - CTCP lỗ phát sinh 4.515 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp còn khó khăn, các DNNN cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN còn một số hạn chế như: các DNNN chậm chuyển mình trong xu hướng mới, thời đại mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét... Nhìn chung, DNNN có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; chất lượng, hiệu quả của DNNN chủ yếu xuất phát từ những DNNN quy mô lớn.

Đáng chú ý, một số DNNN hoạt động yếu kém, thua lỗ, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Việc cơ cấu lại các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, các dự án doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả ở nhiều nơi còn chậm nên hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trong lúc năng lực quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

leftcenterrightdel

Tổng doanh thu khối DNNN năm 2023 ước đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Ảnh: TQ 

Nhiều DNNN chưa chú trọng đầu tư theo chiều sâu, chậm đổi mới về công nghệ, trang thiết bị, kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ. Việc công khai thông tin trong DNNN còn hạn chế, không kịp thời, còn mang tính hình thức.

Công tác giám sát đối với DNNN tuy đã được phân công, phân cấp nhưng hiệu quả công tác giám sát chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa tốt. Hệ thống thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ của một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thậm chí bị tê liệt, không phản ứng và cảnh báo kịp thời khi xảy ra các sai phạm. Nhiều vụ, việc sai phạm thời gian vừa qua đều được phát hiện sau thanh tra, kiểm toán của Nhà nước nên việc khắc phục hậu quả rất khó khăn…

 Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, khu vực DNNN có hiệu quả hoạt động chưa cao còn xuất phát từ một nguyên nhân là tại DNNN đang có sự xung đột lợi ích giữa pháp nhân doanh nghiệp và người đứng đầu, giữa lợi ích của doanh nghiệp (đạt được thông qua cạnh tranh) với lợi ích quốc gia, dân tộc (ví dụ EVN vừa phải kinh doanh kiếm lợi nhuận, vừa có trách nhiệm xã hội là cung cấp điện năng cho các thành phần kinh tế, kể cả miền núi, biên giới, hải đảo…).

Để DNNN thực sự trở thành "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước", dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, vừa qua, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chất lượng, trên cơ sở khẩn trương tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, đặc biệt cần nghiên cứu sửa đổi tiêu chí DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW, không để xảy ra khoảng trống pháp lý về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần, vốn góp chi phối.

Cần phân công và chỉ đạo từng bộ thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước trong ngành, lĩnh vực phụ trách, khắc phục những tồn tại, kiểm điểm, làm rõ những sai phạm của các bộ trong quá trình vừa qua. Tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN; chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.

 

 

 

Trần Quý