Năm 2021 ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỉ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 196 tỉ đồng.

Theo tổng kết của Thanh tra Chính phủ, các cuộc thanh tra về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016 có 5 dạng sai phạm điển hình. Đó là sai phạm trong việc xử lý tài chính của các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa; việc bán cổ phần ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên chức; việc định giá tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa còn chưa đầy đủ; việc nộp tiền về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo quy định sai và việc quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp sai. Điển hình có thể kể đến 12 dự án của ngành Công Thương hay vụ việc ở Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Vinashin.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp. Điều này gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Các cuộc thanh tra trong những năm gần đây cũng nêu rõ các dạng sai phạm này vẫn còn, và số tiền được cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý đều tăng, lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.

Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, giai đoạn 2021 - 2025”, tại phần "Nhiệm vụ, giải pháp" có yêu cầu:

d) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với DNNN

- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động của DNNN, kiểm soát quyền lực, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được phê duyệt. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch hội đồng thành viên/chủ tịch công ty/chủ tịch hội đồng quản trị/người đại diện phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước với việc phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả đề án được duyệt. 

Gần đây nhất, tại Kết luận thanh tra số 1538/KL-TTCP ngày 7/7/2023 về thanh tra tái cơ cấu các DNNN thuộc Bộ Công Thương, gồm Veam, Vnsteel, Fococev… Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm khi cổ phần hóa với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Bộ Công Thương đã cổ phần hóa, chuyển đổi 13 DNNN thành công ty cổ phần, tương đương 65% số doanh nghiệp phải cổ phần hóa. Các doanh nghiệp sau cổ phần đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, thoái vốn hầu hết khoản đầu tư ngoài ngành.

Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan xử lý hơn 2.338 tỷ đồng; chuyển vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại Fococev ở Khánh Hòa, Đắk Lắk sang cơ quan điều tra Bộ Công an.

Tại Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), việc xác định không đúng tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của 127 máy móc, thiết bị của Thép miền Nam và Thép tấm lá Phú Mỹ, khiến xác định giá trị tài sản của VNSteel thiếu gần 345 tỷ đồng. Tổng công ty này cũng chưa hoàn thành thủ tục nộp ngân sách giá trị 2 thửa đất tại Hà Nội, TP HCM gần 314 tỷ đồng sau khi cổ phần.

Trường hợp của Công ty Cổ phần Fococev Việt Nam - đơn vị chuyên cung ứng tinh bột sắn, có trụ sở tại TP HCM - được xác định có vi phạm khi xử lý tài chính với khoản nợ phải thu quá hạn không có khả năng thu hồi. Thời điểm chuyển sang công ty cổ phần (tháng 5/2016), số nợ không xác định vào giá trị doanh nghiệp khoảng 1,17 tỷ đồng.

Bộ Công Thương chưa xử lý 791.610m2 nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước tại Fococev. Việc sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của doanh nghiệp này ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk cũng thực hiện không đúng quy định, dẫn tới nguy cơ thất thoát, lãng phí đất của Nhà nước.

Trước đó, tại Kết luận thanh tra số 1229/KL-TTCP ngày 30/5/2023 về việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN thuộc Bộ Xây dựng, giai đoạn 2011-2018, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt các vi phạm trong quá trình cổ phần hóa các tổng công ty Nhà nước, điển hình là vi phạm về tài chính, chưa xác định đầy đủ giá trị doanh nghiệp, bỏ quên cả nghìn tỷ đồng trong quá trình bán vốn Nhà nước; vi phạm trong quản lý đất đai tại các tổng công ty Nhà nước ngành xây dựng. Theo kết luận thanh tra, trong xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa 10 tổng công ty (công ty mẹ) thuộc Bộ Xây dựng có những khuyết điểm, vi phạm về tài chính với tổng số tiền tạm tính khoảng 5.690 tỷ đồng.

Một số đơn vị như Sông Đà, Tổng Công ty Licogi (Licogi), Fico, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng Công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen), VNCC xác định giá trị doanh nghiệp không đầy đủ, không chính xác, không đúng quy định, thiếu khoản lãi tiền gửi, giá trị thương hiệu, khấu hao công cụ dụng cụ, xoá khoản nợ không đúng quy định… với tổng số tiền là 23,3 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp như Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Licogi, Viwaseen khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đã tính toán giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội chưa đầy đủ, chính xác, với tổng số tiền thiếu khoảng 1.879 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản chỉ đạo Bộ Xây dựng, các tổng công ty: Vicem; Lilama; Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC); Licogi; Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1); Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (Coma); Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp); Tổng Công ty Sông Đà, tổ chức thực hiện nghiêm kết luận thanh tra theo đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm các sai phạm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội, TP HCM, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, thực hiện đúng quy định về quản lý đất đai đối với diện tích đất đã giao cho các tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, không để thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.

leftcenterrightdel

 Hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng 4 cầu tàu bằng nguồn vốn vay WB6, để rồi không sử dụng, gây lãng phí tại cảng Việt Trì. Ảnh: ND

Trước đó nữa, ngày 3/3/2023, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO, nay là Tổng Công ty Vận tải thủy - CTCP).

Thanh tra Chính phủ xác định phương án cổ phần hóa của VIVASO thiếu chính xác, tài sản cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc đã hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay chưa được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định, nguy cơ lãng phí vốn đầu tư với số tiền gần 135 tỉ đồng khi không đưa vào sử dụng. Đồng thời, đơn vị này vi phạm Luật Kế toán, dẫn đến xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn sai mất vốn Nhà nước với số tiền hơn 16 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển hồ sơ 2 vụ việc sang cơ quan điều tra làm rõ...

Không thể liệt kê chi tiết các kết luận trong bài viết, nhưng có thể khẳng định, các kết luận thanh tra về cổ phần hóa và quản lý, sử dụng "đất vàng” của các DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh, xây dựng... đều là các con số sai phạm rất lớn. Các sai phạm này diễn ra ở cả khối doanh nghiệp Trung ương và địa phương mà cơ quan thanh tra đã chỉ ra như tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Quảng Ninh...

Trước đó nữa, giai đoạn 2019-2021, nhiều cuộc thanh tra về cổ phần hóa DNNN cũng trở thành các vụ án thu hút sự chú ý của dư luận khi phát hiện thất thoát tài sản Nhà nước với số lượng lớn. Điển hình, trong vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng Công trình Giao thông 1 - Công ty Cổ phần (Cienco 1) và các đơn vị liên quan; vụ việc cổ phần hóa Tổng Công ty Thiết bị y tế Việt Nam; việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Nhựa y tế (Mediplast), Tổng Công ty cổ phần Y tế (Danameco); việc sáp nhập Công ty Cổ phần Nhựa y tế vào Tổng Công ty Thiết bị y tế Việt Nam…

Hay như trong vụ cổ phần hoá cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng cảng Quy Nhơn trị giá hàng nghìn tỷ đồng nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành sở hữu 86,23% cổ phần của cảng này với giá chỉ 440 tỷ đồng...

Không thể kể hết các cuộc thanh tra đơn lẻ để nhận diện các sai phạm trong cổ phần hóa doanh nghiệp hoặc sai phạm trong việc sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Có lẽ, đã đến lúc cần có cái nhìn toàn diện, tổng hợp và kiến nghị đồng bộ về việc cổ phần hóa DNNN trên phạm vi toàn quốc, để đảm bảo lộ trình này cán đích hiệu quả và đảm bảo phát huy vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Bài 3: Cần một cuộc thanh tra diện rộng trên toàn quốc về cổ phần hóa DNNN

Đan Quế - Hoàng Nam