Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 1: Nguồn lực và vai trò lớn trong nền kinh tế

Đan Quế - Hoàng Nam

Thứ tư, 22/11/2023 - 10:08

(Thanh tra) - Theo đánh giá, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước (NSNN); thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của khối DNNN chưa hiệu quả, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), sau khi được cổ phần hóa đã từng bước sắp xếp bộ máy và có sự tăng trưởng tốt. Ảnh: MH

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, còn có việc thất thoát rất lớn tài sản Nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa, đặc biệt là về đất đai.

Cùng nhìn lại thực tế này khi điểm lại một số cuộc thanh tra gần đây.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022, Việt Nam còn 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn đang tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực: Quốc phòng - an ninh; Nông, lâm nghiệp và công trình thủy lợi; Hoạt động xổ số; Hoạt động công ích (đô thị, chiếu sáng, cấp thoát nước…). Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn chủ yếu hoạt động trong các ngành: Nông - lâm, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất, kinh doanh bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng...

Nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông - lâm nghiệp thì hiện chỉ còn 77 DNNN quy mô lớn gồm 6 tập đoàn kinh tế, 53 tổng công ty Nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con. Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng DNNN, nhưng khối công ty mẹ tập đoàn - tổng công ty nắm giữ khoảng 92% tổng tài sản, 93% tổng doanh thu và 92% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc. Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu NSNN; thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Khu vực DNNN đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Trong lĩnh vực năng lượng: Các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội. Trong lĩnh vực xăng dầu: Các DNNN và doanh nghiệp do DNNN sở hữu đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ. Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, chế biến và khai thác dầu khí, các DNNN cung cấp 100% thị phần khí khô và 70% thị phần LNG toàn quốc, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp… DNNN cũng đóng góp vai trò quan trọng, quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng của nền kinh tế như: Viễn thông, công nghệ thông tin (chiếm hơn 90% thị phần về thuê bao di động và băng thông di động mặt đất), hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển, tài chính ngân hàng; cung cấp nguyên vật liệu sản xuất đầu vào quan trọng cho nền kinh tế như xi măng, hóa chất cơ bản, các nguyên, vật liệu dầu, khí, than, xơ sợi, cao su, dăm gỗ; sản xuất phân bón, đạm… cung cấp dịch vụ công ích…

Cũng theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng doanh thu của các DNNN năm 2023 đạt 2.643.544 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt 2.458.816 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021, chiếm 93% tổng doanh thu của các DNNN.

Theo  báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ghi nhận tổng doanh thu đạt 250.000 tỷ đồng, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2022;  lợi nhuận trước thuế đạt 35.897 tỷ đồng, bằng 103,3% kế hoạch năm. Ảnh: MH

Về chỉ tiêu lợi nhuận, tổng lãi phát sinh trước thuế của các DNNN tính đến cuối năm 2022 đạt 241.165 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt 221.671 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021, chiếm 92% tổng lãi phát sinh trước thuế của toàn bộ khu vực DNNN. Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân chung của khu vực là 13% (năm 2021 là 11%).

Về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2022, có 64/676 doanh nghiệp (chiếm 9% tổng số DNNN) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 29.456 tỷ đồng; 144/676 doanh nghiệp (chiếm 21% tổng số DNNN) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 69.892 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính chung cả lỗ lũy kế và lỗ phát sinh mới của năm 2022, có khoảng 30% DNNN hoạt động sản xuất, kinh doanh còn thua lỗ.

Về nợ phải trả, tổng nợ phải trả của DNNN năm 2022 là 1.981.967 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 55%. Hệ số tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trung bình của các DNNN là 1,09 lần, cho thấy các DNNN ít phụ thuộc vào nợ vay để tài trợ cho hoạt động.

Ước cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Về lợi nhuận, tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực DNNN năm 2023 ước đạt 117.388 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra.

Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN của DNNN cả năm 2023 ước đạt 128.821 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch. Lỗ phát sinh của khối các DNNN khoảng 41.666 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp Trung ương như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ phát sinh 37.062 tỷ đồng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP lỗ phát sinh 4.515 tỷ đồng...

Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ DNNN gặp khó khăn, thua lỗ còn cao, tỷ suất lợi nhuận/tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, có sự thất thoát rất lớn tài sản Nhà nước, đặc biệt là đất đai khi tiến hành cổ phần hóa. Vậy tài sản đã bị thất thoát dưới các dạng sai phạm nào?

Bài 2: Nhận diện các dạng sai phạm khi cổ phần hóa DNNN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp bước vào giai đoạn "nước rút" cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh mùa cao điểm, nhu cầu về vốn vì thế cũng tăng đột biến. Gói ưu đãi lãi suất đặc biệt với tổng hạn mức 6000 tỷ đồng đã được Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) triển khai từ nay cho đến 31/1/2025 nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

16:43 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm