00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

PGS.TS Ngô Trí Long: Tư nhân càng được tin tưởng, tăng trưởng càng được giải phóng

Đông Hà

Chủ nhật, 13/04/2025 - 10:02

(Thanh tra) - “Trao vai trò lớn hơn cho doanh nghiệp tư nhân trong tiến trình cải cách thể chế và đổi mới mô hình tăng trưởng là bước đi chiến lược để phát huy nguồn lực xã hội, khơi thông tiềm năng phát triển quốc gia”, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng cần một thể chế hiện đại để doanh nghiệp tư nhân thực sự trở thành động lực tăng trưởng. Ảnh: Đông Hà

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, khu vực tư nhân, nếu được trao niềm tin và môi trường thuận lợi, hoàn toàn có khả năng đảm nhận các trọng trách lớn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đổi mới sáng tạo.

Ông Long nói: “Trong bối cảnh hiện nay, muốn nền kinh tế bứt phá, cần dám ‘tháo gỡ nút thắt’ thể chế và niềm tin, để doanh nghiệp tư nhân không chỉ là ‘đối tác’ mà là ‘người dẫn đường’ trong một số lĩnh vực chiến lược. Càng tin tưởng trao quyền thì càng khơi thông tiềm năng tăng trưởng”.

- Theo ông, vì sao việc giao các nhiệm vụ khó hoặc mang tính chiến lược cho khu vực tư nhân vẫn còn dè dặt, dù năng lực của họ đã được kiểm chứng qua nhiều dự án lớn?

+PGS.TS Ngô Trí Long: Việc giao các nhiệm vụ khó hoặc mang tính chiến lược cho khu vực tư nhân tại Việt Nam vẫn còn dè dặt, dù năng lực của khu vực này đã được kiểm chứng qua nhiều dự án lớn, là một vấn đề mang tính hệ thống, liên quan đến cả tư duy quản lý, thể chế chính sách và cơ chế thực thi.

Trước hết, hiện tượng này do tư duy “bao cấp mới” trong quản trị công vẫn chi phối. Trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các nhiệm vụ mang tính chiến lược như hạ tầng trọng điểm, y tế, giáo dục, an ninh năng lượng, vẫn tồn tại tư duy cho rằng Nhà nước phải “nắm giữ” mới đảm bảo an toàn và định hướng phát triển.

Quan điểm này khiến các cơ quan quản lý e ngại khi trao vai trò lớn cho tư nhân, dù thực tế cho thấy khu vực tư nhân ngày càng chứng tỏ năng lực vượt trội trong đổi mới sáng tạo, tổ chức vận hành và huy động nguồn lực. Hệ thống pháp lý và cơ chế hợp tác công – tư (PPP) còn thiếu rõ ràng, thiếu ổn định: Khung pháp lý hiện hành, dù đã có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng còn nhiều điểm chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia sâu vào các dự án chiến lược. Rủi ro pháp lý, sự thiếu nhất quán trong chính sách, và thủ tục hành chính phức tạp khiến nhà đầu tư tư nhân thận trọng và cơ quan nhà nước cũng ngại “chọn mặt gửi vàng”.

Thứ hai, việc lựa chọn tư nhân thực hiện các nhiệm vụ khó thường đi kèm với yêu cầu đổi mới cơ chế, phá bỏ lối mòn và đôi khi tiềm ẩn rủi ro hành chính. Trong bối cảnh kỷ luật, kỷ cương được siết chặt nhưng chưa có cơ chế bảo vệ người dám làm, nhiều cán bộ quản lý lựa chọn phương án an toàn – tiếp tục để khu vực nhà nước thực hiện, dù hiệu quả thấp hơn.

Thứ ba, các dự án mang tính chiến lược thường có quy mô lớn, thời gian hoàn vốn dài, rủi ro cao, trong khi các cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân còn sơ khai. Do đó, tư nhân gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng và bảo vệ lợi ích hợp pháp trong các tình huống bất khả kháng hay thay đổi chính sách.

Cuối cùng, dù năng lực tư nhân đã được kiểm chứng qua các dự án lớn như đường cao tốc, cảng biển, sân bay, bệnh viện tư nhân… nhưng sự tin cậy – yếu tố cốt lõi của hợp tác dài hạn – vẫn còn thiếu. Việc Nhà nước chưa xây dựng được một cơ chế “đồng kiến tạo chính sách” giữa khu vực công và tư khiến vai trò của doanh nghiệp tư nhân chưa được phát huy đúng mức.

Tóm lai, để thay đổi tình trạng dè dặt này, cần có một cải cách tổng thể từ tư duy đến thể chế, trong đó Nhà nước chuyển từ “người làm” sang “người kiến tạo” và “người giám sát,” qua đó khơi thông nguồn lực xã hội, trao quyền mạnh mẽ hơn cho tư nhân trong thực hiện các nhiệm vụ chiến lược – vốn ngày càng đòi hỏi tính linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả mà khu vực tư nhân có nhiều lợi thế.

- Vậy thưa ông, trong bối cảnh cải cách thể chế và đổi mới mô hình tăng trưởng, việc trao nhiều hơn vai trò cho doanh nghiệp tư nhân cần kèm theo những điều kiện hay cơ chế gì để đảm bảo hiệu quả và công bằng?

+PGS.TS Ngô Trí Long: Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cải cách thể chế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, việc trao vai trò lớn hơn cho khu vực doanh nghiệp tư nhân không chỉ là lựa chọn phù hợp mà còn là một xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường hiện đại. Tuy nhiên, sự chuyển giao này chỉ phát huy hiệu quả khi được đặt trong một khuôn khổ thể chế đầy đủ, nhất quán và có năng lực thực thi cao.

Đ khu vực tư nhân yên tâm đầu tư và phát triển dài hạn, thì cần có sự bảo đảm rõ ràng về quyền sở hữu, quyền tiếp cận đất đai, tài chính, thông tin và dữ liệu. Đồng thời, rủi ro thể chế – như việc thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình hay thiếu nhất quán – cần được giảm thiểu tối đa, bởi đó là những yếu tố khiến chi phí và rủi ro kinh doanh gia tăng một cách không cần thiết.

Thể chế tốt không chỉ nằm trên giấy, mà cần một bộ máy công quyền đủ năng lực, minh bạch và liêm chính để thực thi công bằng. Cùng với đó, việc thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh là yêu cầu không thể thiếu. Doanh nghiệp tư nhân cần được tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực như đất đai, tín dụng, thông tin đấu thầu – những điều mà hiện nay họ vẫn gặp nhiều rào cản so với khối doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước cần xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi và tạo ra sân chơi công bằng thông qua việc minh bạch hóa các quy trình mua sắm công, đấu thầu và đầu tư.

Song song đó, cần xây dựng một cơ quan cạnh tranh quốc gia đủ mạnh và độc lập để giám sát, xử lý hiệu quả các hành vi phản cạnh tranh, ngăn chặn sự lũng đoạn thị trường. Đây là điều kiện then chốt để tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh năng động, lành mạnh.

Trao vai trò lớn hơn cho doanh nghiệp tư nhân là bước đi chiến lược, mở ra khả năng khai thác hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế. Ảnh: Đông Hà

Mặt khác, chính sách hỗ trợ cho khu vực tư nhân cũng cần có sự chọn lọc và định hướng dài hạn. Đặc biệt, cần chú trọng thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ về thuế, pháp lý, đào tạo nhân lực. Những định hướng lớn như chuyển đổi số và phát triển bền vững cũng nên được tích hợp trong chính sách để dẫn dắt khu vực tư nhân tiến vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường và tạo giá trị gia tăng. Tuyệt đối tránh tình trạng bao cấp trá hình hay tạo ra đặc quyền cho một nhóm doanh nghiệp nào đó, bởi điều này dễ dẫn đến bất bình đẳng mới và lợi ích nhóm.

Việc nâng cao vai trò giám sát của xã hội dân sự và truyền thông cũng là rất cần thiết nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình, đồng thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách. Doanh nghiệp tư nhân cũng cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, từ nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường cho đến quyền lợi của người lao động và cộng đồng. Các chuẩn mực đạo đức kinh doanh cần được hình thành và khuyến khích tuân thủ để khu vực tư nhân không vì lợi nhuận mà bất chấp hậu quả lâu dài.

Cuối cùng, một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực sẽ giúp giảm chi phí giao dịch, tăng hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế minh bạch trong hoạch định chính sách, đầu tư công và cấp phép nhằm phòng chống tham nhũng, xung đột lợi ích. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương cũng là yếu tố then chốt để bảo đảm chính sách được thực thi hiệu quả trên toàn hệ thống, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Tóm lại, việc trao vai trò lớn hơn cho doanh nghiệp tư nhân là một bước đi chiến lược nhằm phát huy nguồn lực xã hội và khơi thông tiềm năng phát triển quốc gia. Tuy nhiên, để khu vực này thật sự trở thành động lực tăng trưởng, cần một thể chế hiện đại, công bằng, minh bạch và có năng lực thực thi thực chất. Chỉ như vậy, tăng trưởng kinh tế mới đi cùng sự phát triển bao trùm và bền vững.

- Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, theo ông, đâu là lĩnh vực Nhà nước nên ưu tiên "mở cửa" sớm để tư nhân đảm đương các nhiệm vụ phức tạp?

+PGS.TS Ngô Trí Long: Việc xác định lĩnh vực Nhà nước nên ưu tiên “mở cửa” sớm để khu vực tư nhân đảm đương các nhiệm vụ phức tạp cần dựa trên ba tiêu chí cốt lõi: hiệu quả kinh tế, khả năng huy động nguồn lực xã hội và tác động lan tỏa đến tăng trưởng dài hạn. Xét trên kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, tôi cho rằng ba lĩnh vực nên được ưu tiên mở cửa sớm cho khu vực tư nhân tham gia sâu hơn là: Hạ tầng giao thông và logistics; giáo dục – đào tạo nghề chất lượng cao; và chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… đã thành công khi huy động tư nhân vào phát triển hạ tầng thông qua các hình thức PPP (đối tác công tư). Điều này giúp giảm áp lực ngân sách và đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Tại Việt Nam, nhu cầu đầu tư hạ tầng giai đoạn 2021–2030 ước tính cần trên 2,5 triệu tỷ đồng, trong khi nguồn lực công còn hạn chế. Tư nhân có thể đảm nhận tốt các khâu như: Đầu tư cảng biển, sân bay, đường cao tốc, trung tâm logistics – những lĩnh vực có tính kỹ thuật cao và tiềm năng thu hồi vốn lớn. Việc mở cửa sớm không chỉ tăng hiệu quả vận hành mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều nước phát triển cũng đã chuyển giao phần lớn vai trò đào tạo nghề cho khu vực tư nhân nhằm tăng tính linh hoạt, bám sát nhu cầu thị trường lao động. Ở Việt Nam, trong khi hệ thống giáo dục công lập vẫn còn nặng tính lý thuyết, thiếu cập nhật công nghệ mới, thì các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật số, có thể tham gia sâu vào thiết kế chương trình đào tạo, trực tiếp vận hành cơ sở đào tạo hoặc hợp tác với các trường nghề. Việc “xã hội hóa” giáo dục theo hướng có chọn lọc, có giám sát chất lượng sẽ giúp nâng cao năng lực nhân lực quốc gia trong dài hạn.

Ngoài ra, chuyển đổi số là một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi năng lực công nghệ, khả năng đổi mới nhanh – điều mà khu vực tư nhân, nhất là các công ty công nghệ, có ưu thế vượt trội. Kinh nghiệm của Singapore cho thấy Chính phủ chỉ nên giữ vai trò kiến tạo thể chế và nền tảng dữ liệu, còn việc phát triển ứng dụng, vận hành hệ thống dịch vụ công nên mở cho tư nhân.

Ở Việt Nam, nhiều dịch vụ công như đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, thủ tục thuế… có thể chuyển giao một phần cho các doanh nghiệp công nghệ để tăng tốc độ và giảm chi phí thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

PVcomBank và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện

PVcomBank và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện

(Thanh tra) - Ngày 28/4/2025, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (CTUMP) đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện. Sự kiện không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa hai đơn vị, mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển lâu dài trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế.

Mai Lê

16:05 29/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm