Từ tháng 9/2021 đến nay, Diễn đàn Kết nối tiêu thụ nông sản 970 đã tổ chức được 7 diễn đàn: Kết nối tiêu thụ nông sản trong điều kiện giãn cách, Kết nối tiêu thụ nông sản tươi sống cho TP Hồ Chí Minh trong điều kiện giãn cách, Kết nối tiêu thụ nông sản cho Tây Nguyên; Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương, Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp…

Từ những diễn đàn này đã có hàng trăm hợp đồng thương mại cung - cầu nông sản được ký kết. Đồng thời bước đầu hình thành hàng chục chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững.

Diễn đàn lần này nhằm thông tin và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết nông sản bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân; xúc tiến thương mại nông sản giữa Hà Nội với các địa phương và kết nối người sản xuất nông lâm thủy sản giữa các địa phương và thị trường Hà Nội; nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.

Tham gia ý kiến tại Diễn đàn, đại diện nhiều tỉnh, TP mong muốn được kết nối với thị trường thủ đô, để người dân Thủ đô được thưởng thức các món ăn đặc sản từ các vùng như Quảng Ninh, Kiên Giang, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Cần Thơ, Bắc Kạn…

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm & Thủy sản (Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, an toàn thực phẩm (ATTP) là cốt lõi nâng cao giá trị, phát triển bền vững nông nghiệp.

Từ 2015, ATTP từng là vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, Bộ NNPTNT đã triển khai chương trình phối hợp, phát triển rau an toàn, chuỗi cung ứng cho Thủ đô. Hiện nay vấn đề đã phát triển rõ nét.

Theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT và UBND Hà Nội, chương trình phải nâng tầm lên, vừa đảm bảo ATTP, vừa giúp nâng cao giá trị, nhằm đảm bảo những yêu cầu của cả thị trường xuất khẩu lẫn nội tiêu, tỷ trọng hàng hóa theo chuỗi cung ứng hàng hóa, an toàn được cao lên. Mục tiêu là đẩy mạnh liên kết giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận.

Chương trình sẽ được thực hiện từ giờ đến năm 2025 với 3 nội dung: Duy trì kết quả, nhân rộng chuỗi cung ứng nông thủy sản an toàn, ít nhất 10% năm. Tiếp đến là nâng lên thành chuỗi giá trị, không chỉ an toàn, mà còn chất lượng, thương hiệu, bao bì, mẫu mã. Cuối cùng là hỗ trợ chuỗi ngành hàng theo các tiêu chuẩn quốc tế.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Diễn đàn đầu cầu TP Hà Nội. Ảnh: LP

Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội có vị trí địa lý, chính trị quan trọng, là trung tâm lớn nhất ở Bắc bộ, là thị trường tiêu thụ hàng hóa với mạng lưới phân phối lớn, thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh của vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng, miền trong cả nước.

Với diện tích đất nông nghiệp khoảng 189 nghìn ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên, song nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30 - 65% nhu cầu.

Lượng hàng hóa còn thiếu được doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương lái... kết nối, khai thác từ các tỉnh, TP thông qua hoạt động giới thiệu kết nối nguồn hàng nông, lâm, thủy sản, trái cây an toàn...

Trong 10 tháng đầu năm 2021, kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, TP trên 220.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, TP đã được kết nối đưa vào 35 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của TP Hà Nội; các đơn vị đẩy mạnh bán hàng hóa thiết yếu qua các website thương mại điện tử, hotline doanh nghiệp...

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn các tỉnh, TP tại thị trường Hà Nội, TP sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn TP...

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa Hoàng Viết Chọn, Thanh Hóa có lượng nông sản, thực phẩm lớn, đạt 1,5 triệu tấn/năm, và 200-250 nghìn tấn gạo dùng để trao đổi với các địa phương ngoại tỉnh trong đó có Hà Nội.

Đàn trâu bò của tỉnh Thanh Hóa đạt 450.000 con, đàn lợn 1,2 triệu con, gia cầm 23 triệu con, sản lượng 210.000 tấn thịt các loại mỗi năm. Đặc biệt, tỉnh đã sản xuất được 13-14 triệu lít nước mắm mỗi năm. Tỉnh đã có 20 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 - 5 sao. Tuy nhiên, việc giao thương giữa Thanh Hóa và Hà Nội chưa được nhanh.

Đầu năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp danh sách 400 doanh nghiệp gửi Sở Công thương Hà Nội tổng hợp để kết nối các doanh nghiệp trực tiếp trong hoạt động giao thương.

9 tháng đầu năm, Thanh Hóa có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng nông sản cho thị trường Hà Nội, ví dụ Công ty Thanh Hương, Công ty Thiên Trường 36, Công ty Sao Khuê… với các sản phẩm nước mắm, thủy sản, thịt gia súc gia cầm, rau của quả các loại.

Tuy vậy, Thanh Hóa mới có 10-15 tấn nông sản/tháng đưa ra thị trường Hà Nội, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân dân Thủ đô và các tỉnh bạn.

Do vậy, Thanh Hóa mong muốn tiếp tục tham gia giao thương trao đổi với Hà Nội và các tỉnh bạn; đồng thời kiến nghị Bộ NNPTNT tiếp tục tạo điều kiện tham gia chương trình đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông sản, giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, TP trong cả nước giai đoạn 2021-2025; tiếp tục tạo thuận lợi của các doanh nghiệp Thanh Hóa, giới thiệu với các doanh nghiệp Thủ đô, đẩy mạnh giao thương.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, qua 8 phiên, Diễn đàn 970 đã khẳng định được vị trí trong việc kết nối giao thương nông sản giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là nguồn thông tin cho các cơ quan, cán bộ quản lý, chỉ đạo sản xuất của các bộ, ngành cũng như các địa phương.

Diễn đàn hôm nay có 350 điểm cầu kết nối với hơn 1.000 người tham gia và đã kết nối được hơn 30 giao dịch. Ngoài ra, ngay sau Diễn đàn, Bộ NNPTNT và TP Hà Nội sẽ kí kết đưa ra những thỏa thuận, phối hợp triển khai những mô hình kiểm soát ATTP theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Theo đó, yêu cầu các tỉnh phải coi trọng chất lượng nông sản cũng như nắm được thông tin các đầu mối cung ứng, đồng thời yêu cầu các đầu mối này đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để cung ứng cho thị trường Hà Nội.

“Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài việc biểu dương những chuỗi cung ứng đảm bảo được an toàn, chất lượng cũng cần loại bỏ những chuỗi không đảm bảo yêu cầu. Chúng ta tạo điều kiện để kết nối cung cầu nhưng cũng phải kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các chuỗi cung ứng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra ký kết Chương trình Hợp tác “Đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, TP giai đoạn 2021- 2025”.

Lê Phương