Tập đoàn Sơn Hải đã báo cáo các cơ quan liên quan về khó khăn, vướng mắc khi triển khai Gói thầu số 01 của dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 do UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định đầu tư.

Đây là gói thầu Tập đoàn Sơn Hải được chỉ định thầu với giá trị gần 1.400 tỷ đồng, giảm gần 50 tỷ đồng so với giá gói thầu.

Nhiệm vụ tập đoàn đảm nhận là thi công xây dựng công trình đoạn Km69+500 ÷ Km86+00, tổng gói thầu 16,5Km, bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công. Ngày khởi công, 24/11/2023; ngày kết thúc theo hợp đồng là 24/5/2026. Địa điểm xây dựng tại các huyện Ea Kar và Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Hiện công tác giải phóng mặt bằng đã được 13,6/16,5km đạt 82%, các đoạn còn lại gồm đầu tuyến (1km) là các đoạn đất rừng chờ chuyển đổi chưa thi công được.

leftcenterrightdel
 Phần diện tích đất rừng khoảng 1,7km vẫn chưa được bàn giao để thi công dự án. Ảnh: AM

Cuối tuyến cũng còn 1,88km là đoạn đất lâm nghiệp Công ty Phúc Nguyên chờ định giá cây cao su để đấu giá thanh lý tài sản theo quy định của nhà nước và đoạn đất rừng chờ chuyển đổi chưa thi công được. Ngoài ra, còn 7 trụ trung thế và 6 trụ hạ thế tại Km73 nút giao Ea Rớt và Km69+800 vẫn chưa được di dời.

Ông Trần Hữu Quốc - Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột Đắk Lắk (Tập đoàn Sơn Hải) cho biết, xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, tập đoàn đã huy động nhân lực, thiết bị máy móc để tập trung triển khai cho đúng tiến độ.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các đơn vị thi công trọng điểm cần phải phải “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca, 4 kíp”… đẩy nhanh tiến độ công trình.

leftcenterrightdel
 Tập đoàn Sơn Hải đang tích cực thi công Dự án nhưng gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục pháp lý. Ảnh: AM

Phía tập đoàn cũng nỗ lực nhưng đang bị vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Cụ thể, hiện nay phần diện tích đất rừng khoảng 1,7 Km vẫn chưa được bàn giao thi công mặc dù UBND Tỉnh đã có công văn giao các cơ quan chức năng tham mưu quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện dự án, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công nền, bởi vì hầu hết khối lượng đất đắp chủ yếu tận dụng từ khối lượng đất đào tại các vị trí trên.

Vướng mắc thứ 2 là mỏ đá xã Ea păl, thôn 6B, xã Ea păl (huyện Ea Kar) đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 22/3/2024. Thế nhưng đơn vị phải tạm dừng hoạt động vào ngày 12/4/2024 vì UBND huyện Ea Kar đề nghị dừng hoạt động với lý do yêu cầu hoàn thành các thủ tục về đất đai theo quy định.

Vướng mắc thứ 3 là các bãi đổ thải bổ sung (12 vị trí) chưa được UBND tỉnh chấp thuận.  Do đó, đơn vị thi công chưa có vị trí bãi đổ vật liệu không thích hợp của dự án.

Anh Minh