Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước, gần tiến đến mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4 - 4,5% của Chính phủ. Vì vậy, theo tôi, cần có các bước chuẩn bị cho tình trạng suy thoái kinh tế nếu biến động bên ngoài gia tăng trong tương lai, vì nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất lớn.

Việt Nam đang có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và mới đây nhất là Australia. Sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam tăng lên một phần nhờ việc tăng cường hợp tác với các nước lớn. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA)…, cũng tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để Việt Nam có được lợi thế tương đối trong hoạt động thương mại và đầu tư.

Trong khi đó, khi khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Trung Quốc suy yếu do cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nóng dần, thì vị trí địa lý gần Trung Quốc và lực lượng lao động với chi phí hợp lý cũng giúp Việt Nam thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia.

Đặc biệt, sự phục hồi của dòng vốn FDI vào dệt may, một ngành công nghiệp FDI truyền thống vốn đã chững lại, được coi là tín hiệu tích cực đối với Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI đóng góp trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và lợi nhuận trong lĩnh vực này ngày càng tăng. Như vậy, ngoài sự phục hồi của ngành công nghệ thông tin, ngành công nghiệp truyền thống vững chắc cũng đã ghi nhận khởi sắc.

Theo các chuyên gia kinh tế, với cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, thu hút FDI có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng. Trong ngắn hạn, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam bắt đầu từ năm nay có thể dẫn tới sự suy giảm dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam trong tương lai.

Theo đó, Việt Nam cần chuẩn bị các chính sách hỗ trợ hấp dẫn, khuyến khích cạnh tranh, có thể thay thế ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, như đơn giản thủ tục hành chính, hay chính sách mới về hỗ trợ đất đai.

Ngoài ra, việc chuẩn bị và thực hiện các chính sách để cung cấp điện ổn định là rất cần thiết. Thông qua việc áp dụng Cơ chế Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA), Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, thu hút thêm các doanh nghiệp FDI...

Trong trung hạn, việc tiếp tục đường lối “ngoại giao cây tre” trong đối ngoại sẽ tạo niềm tin về sự ổn định chính trị và môi trường đầu tư - kinh doanh cho các doanh nghiệp FDI đã vào Việt Nam và có kế hoạch vào Việt Nam.

Đặc biệt, động thái gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng của Chính phủ được đánh giá rất tích cực như một biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất. Việc miễn, giảm thuế, phí như vậy sẽ giúp kích thích tiêu dùng, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, do thực hiện các hoạt động hỗ trợ kinh tế thông qua các biện pháp tài chính khác nhau kể từ sau Covid-19, nên nguồn thu quốc gia giảm sút. Vì vậy, việc liên tục theo dõi và chuẩn bị cho tình trạng nợ công gia tăng do doanh thu thuế giảm phải được tiến hành song song.

Uyên Uyên