Nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là

Trong đợt dịch lần này, Quảng Ninh là 1 trong 13 địa phương trong cả nước chịu ảnh hưởng. Với Quảng Ninh, đây cũng là đợt dịch tác động mạnh mẽ nhất đến cuộc sống người dân khi có tới 5 địa phương liên quan đến người mắc Covid-19.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến thời điểm 0h, ngày 26/2, sau gần 3 tuần trên địa bàn không ghi nhận ca mắc mới Covid-19, thị xã Đông Triều - tâm dịch của Quảng Ninh đã dỡ bỏ phong tỏa các địa phương cuối cùng. Mặc dù đã bỏ phong toả, người dân được sống trong trạng thái bình thường mới, tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương, người dân Đông Triều vẫn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là, vẫn đặt công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu.

Cùng với thị xã Đông Triều, trước đó, huyện Vân Đồn - địa phương chịu mức độ ảnh hưởng lớn thứ 2 của Quảng Ninh cũng đã gỡ bỏ 2 chốt kiểm soát dịch Covid-19 cuối cùng tại cầu Vân Đồn và Trạm Thu phí cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Tuy dịch bệnh được kiểm soát tốt nhưng cấp ủy, chính quyền huyện Vân Đồn vẫn tiếp tục quản lý chặt chẽ tất cả các trường hợp đi và đến từ vùng dịch, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Ngay sau khi dịch được khống chế, ở các địa phương như Đông Triều, Vân Đồn, Hạ Long… hoạt động giao thương các mặt hàng nông, thuỷ sản đã sôi động trở lại. Điển hình như tại Vân Đồn, các đơn vị thuộc ngành than, xăng dầu, một số sở, ngành đã hỗ trợ tiêu thụ hàng trăm tấn cá song, hàu, nhuyễn thể các loại, với giá cả ổn định. Hay tại Đông Triều, khoảng 900 tấn khoai tây được đưa vào làm nguyên liệu cho Công ty TNHH Orion, khu công nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến sản phẩm, các đơn vị ngành Than, Siêu thị Go! và chợ Hạ Long. Các loại hoa, cây cảnh bị tồn đọng của thị xã Đông Triều cũng đã cơ bản được tiêu thụ gần hết với sự đồng hành của người dân các địa phương, sở, ban, ngành và chính quyền các cấp.

Đặc biệt, từ ngày 2/3, Quảng Ninh đã mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh phù hợp với các mức nguy cơ đối với từng khu vực, địa điểm cụ thể. Doanh nghiệp du lịch và các điểm, khu du lịch cũng đã xây dựng quy trình đưa, đón khách tham quan đảm bảo an toàn dịch bệnh theo yêu cầu mới của tỉnh; tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và các quy trình, biện pháp phòng dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới...

Chung tay gỡ khó cùng doanh nghiệp

Trước tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Trong "cơn bão" Covid, tỉnh Quảng Ninh đã và đang chung tay, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh đã ban hành 4 gói kích cầu du lịch trị giá hàng trăm tỷ đồng, duy trì các chính sách ưu tiên, miễn giảm vé tham quan, lưu trú vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, khu di tích danh thắng Yên Tử trong 2 năm 2020, 2021. Đồng thời, xây dựng, khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn; tăng cường hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch. Cùng với đó, đã quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc hỗ trợ về thuế, phí; đầu tư; vốn; xuất nhập khẩu...

Năm 2020, Quảng Ninh vẫn có 2.050 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới, với số vốn đăng ký 22.300 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 236 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký, với số vốn 1.784 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thành lập mới đã đăng ký tạo việc làm cho trên 4.500 lao động.

Mới đây, ngay sau khi mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh, ngày 2/3 tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh để tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, kể cả những vấn đề nhỏ nhất. Tỉnh sẽ cho rà soát lại các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để sớm có giải pháp hỗ trợ hiệu quả đối với doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính. Cùng với đó, sẽ tạo thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư và đầu tư theo hình thức công tư PPP.

Đồng thời, sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giữ vững 4 chỉ số: PCI, PAPI, PAR-Index, SIPAS; phối hợp với doanh nghiệp xử lý thỏa đáng và kịp thời các vướng mắc về nguồn lao động, kể cả lao động nội tỉnh, ngoại tỉnh, lao động và chuyên gia nước ngoài làm việc tại tỉnh...

Quảng Ninh đã cơ bản khống chế được đợt dịch thứ 3, dần trở lại trạng thái bình thường mới. Giờ là lúc cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh cùng chung sức, đồng lòng, tận dụng tốt mọi cơ hội, ổn định sản xuất kinh doanh để thực hiện thành công “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Trọng Tài