Hội nghị thu hút 1.800 đại biểu và 1.200 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Người làm xúc tiến đầu tư tốt nhất không phải lãnh đạo TP

Theo Chủ tịch VCCI, đây là hội nghị có quy mô lớn nhất trong lịch sử của Hà Nội và các địa phương trên cả nước. 3 từ khóa rất quan trọng là: Hợp tác - Đầu tư và phát triển đã nói lên tầm nhìn và chiến lược của Hà Nội trong thức đẩy làn sóng đầu tư mới: “Đầu tư để phát triển bền vững, đầu tư trên cơ sở nền tảng của sự hợp tác, chứ không phải kêu gọi kiểu... "anh đi đường anh, tôi đi đường tôi"”.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã âm thầm chuẩn bị những điều kiện để đón làn sóng đầu tư mới này của các DN trong và ngoài nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội đã có bước phát triển bứt phá, vượt lên hơn 40 bậc để có mặt trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Việt Nam.

Các tiêu chí về tính tiên phong của lãnh đạo, chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ DN - những tiêu chí căn bản nhất của năng lực canh tranh cũng được xếp vào nhóm 3 - 4 địa phương tốt nhất trong cả nước.

Về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, trong khi các địa phương khác còn lúng túng thì Hà Nội cùng với Quảng Ninh đã triển khai rất tốt và trở thành 2 địa phương dẫn đầu trong việc thúc đẩy phương thức hợp tác này…

Tại hội nghị, các ghi nhớ, quyết định chủ trương đầu tư, các dự án đầu tư công, tính sơ bộ khoảng trên 40 tỷ USD. Các dự án không chỉ liên quan đến kinh tế - xã hội mà còn có môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… “Nếu thực hiện được các dự án này, sẽ tạo ra bước phát triển đột phá mới cho Hà Nội. Thách thức lớn nhất là phải hiện thực hóa được danh mục đầu tư đã báo cáo.

Để Hà Nội có thể đi tiên phong, trở thành tuyến đầu trong việc tiếp nhận được làn sóng mới, theo Chủ tịch VCCI, cách xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất là hỗ trợ các DN hiện có thực hiện tốt những dự án hiện có. “Cùng với việc mời gọi các nhà đầu tư mới thì hãy phục vụ tốt nhất cho các DN đang ở “trong sân” và “ngoài ngõ” nhà mình" - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đồng thời khẳng định, chính các DN, nhà đầu tư các dự án là người làm công tác xúc tiến đầu tư tốt nhất cho Hà Nội chứ không phải là lãnh đạo TP. Chính họ sẽ nói lên những kinh nghiệm đầu tư trong nước, tuyên truyền sức hút đầu tư của Hà Nội cho các DN nước ngoài.

Lấy dẫn chứng kết quả nghiên cứu của VCCI, ông Lộc cho biết, hiện tính tiên phong trong hỗ trợ DN của lãnh đạo TP Hà Nội luôn ở top dẫn đầu, nhưng sự thân thiện của cán bộ cấp dưới chưa được DN đánh giá cao.

“Phải làm sao “truyền lửa” cải cách, tạo sức ép cải cách, tạo tinh thần phục vụ DN từ lãnh đạo cao nhất của TP xuống công chức cấp cơ sở. Tôi đề nghị, Hà Nội nghiên cứu triển khai việc thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận huyện ở các sở, ban, ngành, để hỗ trợ người dân và DN tốt nhất” - ông Lộc nói.

leftcenterrightdel
Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị, Hà Nội nghiên cứu triển khai việc thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận huyện ở các sở, ban, ngành, để hỗ trợ người dân và DN tốt nhất. Ảnh: TTH

Đồng thời đề nghị, Hà Nội thành lập tổ công tác về việc xây dựng chiến lược thúc đẩy các dự án đầu tư mới, để thực sự Hà Nội có thể dẫn dắt làn sóng đầu tư mới từ các DN FDI, cũng như đón làn sóng đầu tư mới từ các DN Việt Nam.

Còn theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, để thu hút đầu tư, Hà Nội cần trập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) bởi theo các tổ chức lao động quốc tế đánh giá, CNTT và tự động hóa đang tác động rất lớn đến khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam và Hà Nội.

Tạo môi trường đầu tư bình đẳng, minh bạch

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đến từ các nước cũng đã có những đóng góp ý kiến để Hà Nội thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bày tỏ, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội trong giai đoạn hậu Covid-19 là vấn đề chiến lược, lâu dài. Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Nhưng nó cũng mang lại lợi thế cho Hà Nội.

“Cụ thể là nó đã tạo ra sự dịch chuyển của các cơ sở sản xuất, hướng tới sự đa dạng hóa sản xuất của các công ty đa quốc gia. Thách thức đối với Hà Nội lúc này là làm thế nào để tận dụng thời cơ, biến cơ hội này thành động lực lớn để phát triển”- ông Ousmane Dione nói.

Kể lại câu chuyện của người đồng hương - một cầu thủ gốc Phi hiện đang thi đấu cho Câu lạc bộ Hà Nội, ông Ousmane Dione nêu lên 4 bài học kinh nghiệm có thể giúp Hà Nội thành công.

Theo ông Ousmane Dione, cũng giống như một cầu thủ bóng đá, tìm kiếm một đội bóng phù hợp để khẳng định tài năng thì các nhà đầu tư cũng đang mong muốn tìm một môi trường phù hợp để phát triển.

“Hà Nội hiện không chỉ có môi trường đầu tư thuận lợi, môi trường sống tốt, mà Hà Nội còn đang có công cụ tốt để quảng bá hình ảnh là việc đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, trở thành điểm điến an toàn”.

Ông Ousmane Dione cũng cho rằng, việc thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là phải tạo được hệ sinh thái, xây dựng các mối liên kết mạnh mẽ giữa DN trong nước với DN FDI.

Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp FDI không chỉ đến đầu tư, mà đến “định cư” để có đóng góp tối đa cho Hà Nội. Để làm điều này, ngoài tạo môi trường pháp lý thuận lợi, theo ông Ousmane Dione, TP cần phải tiếp tục cải thiện môi trường sống, như xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường, trong đó chú ý đến chất lượng môi trường không khí… biến Hà Nội thành nơi đáng sống, có môi trường sống tươi đẹp.

Còn theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản hiện đang quan tâm đến Việt Nam và Hà Nội như một điểm đến đầu tư an toàn sau đại dịch.

Để nhanh chóng phục hồi kinh tế, Đại sứ Yamada Takio góp ý, Hà Nội cần khuyến khích nhân sự thiết yếu của các DN trở lại Việt Nam càng sớm càng tốt, trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng dịch. Cùng đó, các gói kích thích kinh tế cần được đưa ra và thực hiện nhanh nhằm phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, việc thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng, các dự án giao thông, đường sắt đô thị... sẽ có tác động tức thời đến phục hồi, phát triển kinh tế. Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ đầu tư ODA cho các dự án hạ tầng trọng điểm.

Đáng lưu ý, Đại sứ Yamada Takio cho rằng, Việt Nam cũng như Hà Nội, cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các DN FDI, để nâng cao mức tín nhiệm đầu tư của Việt Nam…

Tại hội nghị, TP Hà Nội tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Trong đó: 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng; 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD; và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với hội nghị xúc tiến đầu tư 2016.

Các dự án đầu tư này, tập trung vào các lĩnh vực: 25 cụm công nghiệp với 490,8 ha; 800 nghìn m2 nhà ở xã hội; 3 khu đô thị; du lịch - dịch vụ; trụ sở văn phòng; văn hóa - xã hội; tài chính - ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông…

Cũng tại hội nghị, TP cùng các nhà đầu tư đã ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó: 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD); 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD).

Hải Hà