Ông Đặng Ngọc Tài, Phó Giám đốc Dự án, đại diện chủ đầu tư dự án - Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Dự án Nâng cấp tuyến Vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt và cầu đường bộ Đuống) có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 919.279 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) theo quy mô giai đoạn phân kỳ là 650,82 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 9,753 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 43,081 tỷ đồng; chi phí khác 30,289 tỷ đồng; chi phí dự phòng 195.394 triệu đồng.

Dự án được chia thành 2 gói thầu: Gói thầu XL-CĐ-01 (thi công cầu đường sắt) và gói thầu XL-CĐ-02 (thi công cầu đường bộ). Dự án do Ban QLDA Đường sắt - Bộ GTVT làm chủ đầu tư được khởi công ngày 22/7/2023. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.

“Dự án được triển khai trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm thuộc TP Hà Nội nên đặc biệt được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT cũng như lãnh đạo của UBND TP Hà Nội và các quận huyện mà dự án đi qua. Nguồn vốn để thực hiện dự án được Bộ GTVT bố trí kịp thời theo tiến độ của hợp đồng”, ông Tài cho biết về những thuận lợi khi triển khai dự án.

Theo ông Tài, dự án bắt đầu khởi công từ tháng 9/2023, tuy nhiên do quy định về việc cấp phép đê điều, nên đến tháng 11/2023, các gói thầu mới bắt đầu triển khai thi công.

leftcenterrightdel

Sau 5 tháng thi công gói thầu XL-CĐ-01 (thi công cầu Đường sắt) đã hoàn thành thi công được 3/5 trụ. Ảnh: TQ 

Sau 5 tháng triển khai, gói thầu XL-CĐ-01 (thi công cầu đường sắt) đã hoàn thành thi công được 3/5 trụ (T1, T2 và T5), 2 trụ dưới sông đã hoàn thành thi công cọc khoan nhồi và đang tiến hành thi công bệ trụ và thân trụ. Mố cầu chưa thi công do chưa được GPMB.

Phạm vi đường 2 đầu cầu đã hoàn thành các hạng mục không bị vướng GPMB (cụ thể: Đã hoàn thành 7/8 bản sàn giảm tải, 3 đoạn tường chắn bê tông cốt thép, cọc khoan nhồi các mố cầu chui. Đã hoàn thành thi công việc di dời hệ thống thông tin tín hiệu ở bước 1 - giai đoạn 1.

Gói thầu XL-CĐ-02 (thi công cầu đường bộ) đã hoàn thành 1/4 trụ cầu (T3), 2 trụ dưới nước đang triển khai thi công phần cọc khoan nhồi và bệ trụ. Phạm vi còn lại chưa được GPMB nên chưa thể triển khai thi công.

Kết quả giải ngân, lũy kế từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo hết tháng 4/2024 đạt 333,53 tỷ đồng (bao gồm cả tạm ứng). Trong đó, gói XL-CĐ-01 giải ngân được 65,607/407,16 tỷ đồng, đạt 16,11%; gói XL-CĐ-02 giải ngân được 79,373/526,56 tỷ đồng, đạt 15%.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, theo ông Tài, việc triển khai thực hiện dự án cũng đang gặp không ít khó khăn về GPMB.

Dự án thuộc địa bàn Thủ đô đi qua 1 quận và 1 huyện nên cơ chế đền bù GPMB khác nhau. Việc dự án phân kỳ đầu tư nên công tác GPMB thực hiện cho từng giai đoạn phân kỳ cũng không được đồng thuận của dân cư, ngoài ra còn một số thủ tục trong công tác GPMB bị chậm chưa đáp ứng theo tiến độ thi công theo hợp đồng để nhà thầu có mặt bằng thi công như: Công tác phê duyệt Tiểu dự án GPMB; công tác tái định cư trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng chưa được thực hiện; công tác GPMB giai đoạn 2, chủ trương, nguồn vốn GPMB giai đoạn 2 của dự án chưa được xác định, tiếp tục nguy cơ khó khăn cho công tác GPMB.

leftcenterrightdel
 Sau 5 tháng thi công gói thầu XL-CĐ-02 (thi công cầu đường bộ) đã hoàn thành thi công được 1/4 trụ. Ảnh: TQ

Về thời gian thi công, theo quy định Luật Đê điều và Quyết định số 18/2021/QĐ- của Thủ tướng Chính phủ, quá trình thi công phạm vi đê điều bị ngắt quãng bởi mùa lũ (về cơ bản các hạng mục đều nằm trong hành lang đê) từ 15/6 đến 31/10 hàng năm. Vì vậy, chỉ có thể triển khai thi công từ 1/11 đến 14/5.

Ngoài ra, việc thi công gần khu dân cư nên tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân xung quanh và đã nhiều lần các hộ dân khu vực huyện Gia Lâm ra cản trở… và không thể thi công xuyên đêm.

“Theo cam kết, đến tháng 9/2024, UBND TP Hà Nội sẽ bàn giao 100% mặt bằng cho dự án. Trong trường hợp đến tháng 9/2024, mà không được bàn giao 100% mặt bằng thì dự án có nguy cơ cao sẽ bị chậm tiến độ” - ông Tài nói.

leftcenterrightdel

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Thiện, Phó Chỉ huy Trưởng thuộc nhà thầu thi công Công ty Cổ phần Tổng Công ty Công trình Đường sắt (RCC) cho biết, Gói thầu XL-CĐ-01 (thi công cầu đường sắt) do Liên doanh RCC, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công trình 3 và Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải thi công.

Theo hợp đồng ký kết, dự án sẽ kết thúc vào tháng 12/2025. Hiện các nhà thầu đang bố trí gần 40 cán bộ, kỹ sư, công nhân triển khai 3 mũi thi công với 3 xà lan, 3 cần cẩu, 1 đầu kéo, 3 máy đào và các thiết bị thi công khác. Sau 5 tháng thi công gói thầu đang đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra. Dự kiến đến tháng 9/2024 các nhà thầu sẽ hoàn thành các hạng mục đã có mặt bằng. Nếu trong tháng 9/2024 mà không được bàn giao 100% mặt bằng thì dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ. 

leftcenterrightdel

 Ông Nguyễn Đăng Hoàng, tư vấn giám sát thuộc Liên doanh Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế cầu lớn hầm (TEDI - BRITEC) cho biết, Liên danh trúng thầu gói tư vấn giám sát gói thầu XL-CĐ-02 (thi công cầu đường bộ). 

Theo hợp đồng đã ký kết, từ khi triển khai thực hiện dự án đến nay 100% con số (6 thành viên) đều có mặt đầy đủ, thực hiện chức năng giám sát theo quy định. Sau 5 tháng thi công, các nhà thầu đều tuân thủ đúng các quy trình; chất lượng vật tư, vật liệu và thiết bị lắp đặt vào công trình do nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung cấp thiết bị thực hiện theo yêu cầu của thiết kế; tiến độ xây dựng tại các thời điểm hoàn thành các hạng mục thi công được tiến hành đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, các tiêu chí thực hiện.

Trần Quý