60% dự án đi vào thực hiện là thành công rất lớn

Đây là lần thứ 4 trong 4 năm liền, Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ đã đến dự hội nghị để Hà Nội xúc tiến đầu tư, xử lý, giải quyết các vấn đề đặt ra. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong tổ chức sự kiện quy mô lớn, “diễn ra trong 4 tiếng, nhưng phải chuẩn bị mất hơn 4 tháng”.

Thủ tướng chia sẻ niềm vui với Hà Nội về thành công của hội nghị với 229 dự án, đủ các loại hình đầu tư tổng mức đầu tư 405 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ cần 60% dự án đi vào thực hiện là Hà Nội đã thành công rất lớn.

Trước 1.850 đại biểu dự hội nghị, Thủ tướng khẳng định, tinh thần nhất quán của Chính phủ Việt Nam, của Hà Nội trong thu hút đầu tư phát triển là các bên cùng có lợi, cùng phát triển ổn định, lâu dài.

Cho rằng câu nói “Hà Nội không vội được đâu” đã lạc hậu, đã cũ, theo Thủ tướng, Hà Nội ngày nay đã tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển.

Thủ tướng nêu rõ, với vị thế mới của mình, Hà Nội giờ đây không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa bằng một tầm nhìn mới xứng đáng hơn, đó phải là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.

Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta và như tinh thần của “Chiếu dời đô” cách đây tròn 1.010 năm.

Giờ đây, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố trong khu vực. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để Hà Nội hiện thực hóa được tầm nhìn đó.

Gây dựng 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

leftcenterrightdel
Nhắc lại ý kiến của một đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí “chúng ta đang làm tổ cho đại bàng nhưng cũng phải đãi thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no và phát triển tốt” ở Thủ đô. Ảnh: HH

Theo Thủ tướng, để trả lời câu hỏi trên, trước hết Hà Nội phải gây dựng được 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển.

Bàn về yếu tố “thiên thời”, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội phải có chất lượng thể chế tốt, phải tranh thủ các cơ chế đặc thù mà Hà Nội đang có như Luật Thủ đô, Nghị định của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết mới đây của Quốc hội.

Thứ hai, Hà Nội phải tận dụng tối đa lợi thế về địa chính trị, kinh tế của Việt Nam, hẹp hơn là Vùng Thủ đô. Hà Nội phải hợp tác liên kết vùng và xem các địa phương là đối tác chứ không phải đối thủ cạnh tranh. Để phát huy yếu tố "địa lợi", Hà Nội cần tổ chức quy hoạch không gian kinh tế một cách hợp lý, kết nối hiệu quả với các địa phương trong Vùng Thủ đô

Thứ ba, Hà Nội phải có được “cổ đông chiến lược” cùng đồng hành với chiến lược của mình. Đó là chính là các doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi, đặc biệt các giới khoa học, công nghệ.

Thủ tướng cho rằng xúc tiến đầu tư hết sức cần thiết lượng vốn đầu tư lớn nhưng yếu tố con người, nhân tài, trí tuệ của nhân lực cấp cao đối với Thủ đô càng quan trọng hơn. Vì vậy, "nhân hòa" chính là yếu tố then chốt nhất của Hà Nội.

Làm sao để có được “nhân hòa”, theo Thủ tướng, Hà Nội cần xây dựng 3 trụ cốt quan trọng:

Một là, kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh, khẳng định được qua sức mạnh kinh tế về quy mô và cấu trúc kinh tế mạnh; môi trường kinh doanh và doanh nghiệp hiệu quả; chất lượng thể thế và năng lực quản trị Nhà nước thích ứng, tính hiệu lực hiệu quả của thể chế…

Hai là, hun đúc bản sắc, đó là một nền văn hóa trải nghiệm, một môi trường tự nhiên, chất lượng không khí tốt, một hệ thống giáo dục tiên tiến, hệ thống y tế phúc lợi xã hội tuyệt vời; hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại.

Bà là, tạo dựng TP đáng sống, xây dựng một Hà Nội xanh, sạch.

Để xây dựng được 3 trụ cột nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Nội cần có đội ngũ cán bộ, lãnh đạo với 5 chữ, được gọi với 5 chữ "tinh". Đó là "tinh thông" trong công việc, "tinh nhuệ" trong hành động, "tinh gọn" về bộ máy, "tinh tuý" về chất cán bộ, "tinh ý" trong hiểu người dân, doanh nghiệp.

Nhắc lại ý kiến của một đại biểu Quốc hội, Thủ tướng nhất trí rằng “chúng ta đang làm tổ cho đại bàng nhưng cũng phải đãi thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no và phát triển tốt” ở Thủ đô. Ý nói hộ cá thể, hợp tác xã, làng nghề, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thủ đô cũng phải được phát triển tốt ở Hà Nội…

Quyết tâm thực hiện 100% dự án được trao chứng nhận đầu tư

leftcenterrightdel
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định quyết tâm phấn đấu thực hiện 100% các dự án được trao chứng nhận đầu tư. Ảnh: HH

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định quyết tâm phấn đấu thực hiện 100% các dự án được trao chứng nhận đầu tư. Đặc biệt là các dự án trọng điểm của TP, của các quận, huyện, thị xã; các dự án liên kết Hà Nội với các tỉnh, TP; các dự án giải quyết bức xúc của nhân dân Thủ đô như chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường; các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề...

Nhấn mạnh Hà Nội sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng sản xuất để thu hút các nhà đầu tư, ông Vương Đình Huệ chia sẻ: “Có câu muốn đón được đại bàng thì phải có tổ lớn, muốn có cá to thì phải có ao sâu”, Hà Nội sẽ chuẩn bị thật tốt để có thể thu hút được những nhà đầu tư lớn; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư vừa và nhà nhỏ...

“Sau hội nghị này, TP sẽ tiếp tục chủ động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ hơn nữa để lựa chọn được các nhà đầu tư phù hợp, có công nghệ tiên tiến, các dự án sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, các dự án sẵn sàng kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu...” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Hải Hà