Chi gần 6.000 tỷ đồng xây nhà tái định cư

Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025” được ban hành nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của TP Hà Nội về phát triển đô thị theo hướng bền vững, thông minh, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện đồng bộ việc cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũ với 19 chỉ tiêu cụ thể.

Một trong những chỉ tiêu của Chương trình 03 là nâng diện tích nhà ở bình quân toàn TP đạt từ 27,6 - 29,5m2/người, tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới theo dự án khoảng 20,44 triệu m2, tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành khoảng 25.000 căn hộ.

Thực hiện chỉ tiêu này, UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt “Kế hoạch Phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021 - 2025”. Theo kế hoạch, UBND TP Hà Nội dự kiến nhu cầu vốn khoảng 437.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 5.800,8 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, phát triển nhà ở xã hội và phục vụ công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách TP khoảng 550,2 tỷ đồng và chi phí thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng vốn ngân sách TP khoảng 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, TP cũng huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện đầu tư, xây dựng nhà ở thương mại; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà ở tái định cư.

TP Hà Nội đã đề ra tỷ lệ những loại nhà ở cần đầu tư xây dựng trong các dự án tại khu vực có khả năng bố trí nhà ở xã hội theo quy hoạch là 90% nhà ở chung cư; 10% là nhà ở riêng lẻ.

Đáng chú ý, tỷ lệ diện tích sàn nhà ở để cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được yêu cầu phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn tại dự án. Theo kế hoạch, TP Hà Nội xác định tổng diện tích sàn nhà ở phát triển giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 44.000.000m2; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn TP đạt 29,5m2 sàn/người.

Xuất hiện nhiều "phố trong làng"

Trong khi quỹ đất ở nội đô không đủ để xây dựng các khu chung cư, nhà ở xã hội, nhà tái định cư thì việc phát triển đô thị vệ tinh được xem là giải pháp tất yếu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay, quy hoạch ở các huyện ngoại thành Hà Nội đang bị bỏ ngỏ, nhiều nơi đô thị hóa… khiên cưỡng.

Trên thực tế, quá trình đô thị hóa nhanh đã dẫn đến việc ngày càng xuất hiện nhiều "phố trong làng", "khu đô thị mi ni" nhưng không theo quy hoạch. Chia sẻ về những hạn chế, thách thức trong công tác quản lý quy hoạch tại huyện ven đô, ông Triệu Đình Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì cho biết, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Quy hoạch chi tiết còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển và quản lý đô thị; việc quản lý xây dựng đô thị vẫn chưa làm chủ được tình hình phát triển đô thị, còn tình trạng xây dựng lộn xộn, phá vỡ cảnh quan do đô thị hóa...

Ở góc độ quy hoạch, ông Lã Hồng Sơn (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, thực tiễn 10 năm thực hiện cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, Thành ủy và UBND TP đã quan tâm chỉ đạo các huyện tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng huyện; phê duyệt quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và triển khai quy hoạch chi tiết trung tâm xã và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ 1/500 với 727 đồ án. Các quy hoạch xây dựng này đều đã xác định cụ thể về tổ chức không gian khu chức năng để phục vụ yêu cầu quản lý, song trên thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập.

Đơn cử, công tác quy hoạch xây dựng tại 17 huyện của TP còn dàn trải. Đối với những địa phương nằm trong khu vực dự kiến phát triển đô thị và có tốc độ đô thị hóa cao là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức chưa có các giải pháp hợp lý về xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Tổ chức bộ máy quản lý quy hoạch xây dựng tại các huyện chưa được quan tâm đúng mức.

Về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nhất là mạng lưới đường trong các khu dân cư làng xóm trong quá trình đô thị hóa nhanh được xây dựng một cách tùy tiện, thiếu tính khoa học và thực tiễn. Nơi cần đường tại các làng xóm đô thị hóa thì thiếu, nơi cần tiết kiệm đất để xây dựng nhà ở thì mật độ đường lại quá cao và hiệu quả sử dụng đất thấp.

Rõ ràng, để tìm lời giải cho “bài toán” về nhà ở, TP Hà Nội sẽ cần phải có những đột phá về chính sách mang tính dài hơi. Vào thời điểm hiện tại, so với các quận nội thành, các huyện ngoại thành sẽ “thuận” hơn để xây dựng các khu nhà ở xã hội, khu tái định cư... Do vậy, TP cần có quy hoạch cụ thể ở những khu vực này để các địa phương không bị lúng túng trong quá trình phát triển đô thị hóa, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Hải Hà