Nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương triển khai

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo kết quả rà soát, trên địa bàn TP có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư cũ (trong đó có 34 khu có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên và 42 khu có quy mô sử dụng đất dưới 2ha) và 306 chung cư cũ độc lập. Các chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1960 - 1992, trong quá trình sử dụng đã xuống cấp, dẫn đến một số nhà hư hỏng nặng, nguy hiểm.

Từ năm 2005-2014, TP đã hoàn thành cải tạo xây dựng lại 19 dự án và 14 dự án đang triển khai. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến khi Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành đến nay không có dự án mới nào được bổ sung thêm, tiến độ thực hiện chậm, kém hiệu quả.

Quá trình cải tạo chung cư cũ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Sau gần 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa trên tổng số hơn 1.500 căn chung cư cũ của TP.

Tại kỳ họp thứ hai HĐND TP Hà Nội khóa XVI vừa diễn ra cuối tháng 9, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đặc biệt lưu ý tới Nghị quyết về Đề án Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành ủy, HĐND, UBND TP xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần phải khẩn trương triển khai nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng, tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Cụ thể hóa khẳng định trên, mới đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về Đề án Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Nghị quyết lưu ý cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, kiểm định, đánh giá toàn diện hiện trạng các khu chung cư cũ...

Dư luận cho rằng, đây là cơ sở quan trọng, để các sở, ngành, địa phương của Hà Nội vào cuộc đồng bộ, đẩy mạnh cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành chia sẻ, Nghị quyết 06-NQ/TU có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi trên cơ sở này, UBND TP mới ra quyết định phê duyệt đề án theo đúng quy trình. Đề án cũng xác định rõ lộ trình, kế hoạch triển khai cụ thể để tổ chức thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...

Là người dân sống trong khu tập thể cũ, ông Nguyễn Văn Thanh, nhà A11, khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) bày tỏ: Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP thực sự là niềm mong mỏi của những hộ dân sống tại các khu tập thể cũ từ nhiều năm nay. Đề án chỉ rõ những nhiệm vụ rất cụ thể, trong đó có các chính sách về giải phóng mặt bằng, bố trí nhà tạm cư, cơ chế bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân… Hi vọng, người dân ở trong những khu tập thể cũ sẽ sớm được ở trong nhưng ngôi nhà mới an toàn, tiện nghi hơn.

Loạt chung cư cũ trên "đất vàng" được xây mới

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025; ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng.

Giai đoạn 2021-2025, TP cũng lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ. Trong đó, lựa chọn 6 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân... và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp). Với 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai, TP sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ.

Bà Nguyễn Kim Oanh, khu tập thể Nguyễn Công Trứ (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) cho hay: Nhìn vào danh sách các dự án chung cư cũ sắp được cải tạo, xây mới có thể thấy, đây đều là những khu đất có vị trí “đắc địa”, thuận tiện giao thông và kinh doanh. Việc rà soát kỹ và lập danh sách cụ thể các khu chung cư xuống cấp, ưu tiên cải tạo, xây dựng sẽ tránh tình trạng xây dựng dàn trải, không tập trung được nguồn lực, dẫn đến dự án nào cũng dở dang.

Là địa phương có nhiều khu tập thể cũ, Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) Ngô Ngọc Lâm chia sẻ: Trên địa bàn hiện có khoảng 80 khu tập thể từ 2 đến 5 tầng, được xây dựng từ những thập niên 7-8 của thế kỷ trước, đều trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Để bảo đảm cảnh quan đô thị và tránh gia tăng dân số, tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng, theo tôi không nên cải tạo, xây mới từng khu chung cư trên chính mặt bằng chung cư cũ mà phải có dự án quy hoạch tổng thể.

Trường hợp chưa đủ nguồn kinh phí xây dựng đồng bộ thì trên cơ sở quy hoạch tổng thể, cần đầu tư trước về cơ sở hạ tầng, xây dựng mới một số tòa nhà để dùng chính quỹ căn hộ tại đây làm nơi "di dân"... Với các dự án xây dựng mới nhà chung cư cũ, Nhà nước cần đứng ra giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư.

Theo người dân và các chuyên gia, việc cải tạo chung cư cũ phải hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nếu làm được việc này sẽ tạo ra sự đồng thuận thực chất và bộ mặt đô thị mới cũng tốt lên. Ngoài ra, cần công khai, minh bạch trong chế độ ưu đãi với nhà đầu tư, đối tượng hưởng chính sách xã hội…

Hải Hà