Lực bất tòng tâm

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 30/4/2012, trong tổng số hơn 647,6 nghìn DN đã thành lập, cả nước còn khoảng 463,8 nghìn DN đang hoạt động, chiếm 71,6%. Trên 81,9 nghìn DN đã giải thể, trên 16 nghìn DN đã đăng ký dừng hoạt động và trên 85,8 nghìn DN dừng hoạt động nhưng không đăng ký. Như vậy, tổng số DN phá sản và dừng hoạt động lên tới 183 nghìn DN, phần lớn là DN nhỏ và vừa.

Riêng ở TP HCM, năm 2011 có hơn 53 nghìn DN và 4 tháng đầu năm nay là 17,7 nghìn DN giải thể và ngừng hoạt động. Nếu tính cả hộ cá thể, DN tư nhân thì từ đầu năm đến nay, số DN ngưng, nghỉ, giải thể trên địa bàn lên tới 38.284 đơn vị (trong đó, công ty TNHH, DN tư nhân là 8.293, hộ cá thể là 29.898). Từ chỗ năm 2009 có 40,43% tổng số DN báo cáo có lãi thì đến quý I/2012 chỉ còn 25,42% DN có số dương nộp thuế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh ước tính: Nếu cứ đà này, trung bình 1 tháng sẽ có từ 4 - 4,5 nghìn DN giải thể, ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều lo ngại không phải là có bao nhiêu DN giải thể, ngừng hoạt động mà đáng quam tâm là tốc độ cắt giảm công suất của các DN diễn ra rất nhanh, rất lớn khiến tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2012 khó đạt được mục tiêu (6 - 6,5%), làm tăng nguồn lao động thất nghiệp, gây khó khăn cho ổn định vĩ mô, an sinh xã hội.

 Nhiều DN cho biết, khó khăn lắm mới tuyển dụng, đào tạo được đội ngũ lao động có tay nghề vững, trình độ chuyên môn cao. Nay vì quá khó khăn, bất đắc dĩ phải cho họ nghỉ việc. Khi kinh tế phục hồi rất khó để tìm được lực lượng này. Chủ một DN nghiệp lớn chia sẻ, họ rất tiếc vì phải cho nghỉ việc gần một nửa nhân viên, trong đó có nhiều thợ giỏi, chuyên môn cao đã gắn bó nhiều năm với DN. Hiện, DN cũng chỉ hoạt động cầm chừng, xoay xở để trả lương công nhân chờ kinh tế phục hồi.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đơn hàng gần đây giảm mạnh ở hầu hết các thị trường lớn. Tình hình này kéo dài khiến các DN khó giữ chân nhân viên. Điều này sẽ trở thành nguy cơ khi kinh tế phục hồi, đơn hàng có nhưng cũng không dám nhận vì thiếu công nhân.

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước


Theo các chuyên gia kinh tế, hiệu quả và sự thành công của bất kỳ DN nào chính là ở nguồn nhân lực. Trong thời điểm nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã đặt mục tiêu cụ thể cho năm 2012 là tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tái cấu trúc DN được coi là thành tố quan trọng. Và, để tái cấu trúc DN thành công, việc tái cơ cấu nguồn nhân lực là vấn đề hàng đầu.

Kinh nghiệm tại nhiều nước cho thấy, để phát triển vững mạnh, các DN đều rất coi trọng chiến lược ổn định nhân sự. Khi hoạt động kinh doanh sa sút, hay khi sử dụng các kỹ thuật tiết kiệm lao động, các công ty giữ lại số công nhân viên làm việc lâu dài, sa thải số công nhân tạm thời. Đồng thời, sử dụng thời gian này để đào tạo nhân viên, chuẩn bị khi tình hình được cải thiện. Điều này, không chỉ giúp chất lượng nhân sự được nâng cao mà các DN duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như chủ động nguồn lực để sẵn sàng nắm bắt khi cơ hội kinh doanh đến. Vì vậy, khó khăn còn là cơ hội để các DN ổn định hệ thống nhân sự, sản phẩm, thị trường… để chờ thời cơ sẵn sàng khi thị trường phục hồi.

Hiện nay, chính sách về thất nghiệp đã có, nhưng chưa có biện pháp hỗ trợ cho người sử dụng lao động để đào tạo phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, thanh toán các chế độ (tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm việc làm) góp phần duy trì, ổn định việc làm cho người lao động.

Trước thực tiễn trên, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ, nhất là chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương các cấp, ngành vào cuộc triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về “gói” giải pháp tài chính, tín dụng để giúp DN vượt qua khó khăn. Đồng thời, có định hướng, chính sách cụ thể hỗ trợ, hướng các DN tái cấu trúc, cơ cấu sản phẩm, thị trường và lao động… thông qua các nguồn: Quỹ Hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, Quỹ Đổi mới công nghệ…
     
                                                                                               Hà Phong