Cần xử lý hành vi không hợp tác, ngăn cản việc thẩm định tại chỗ

Ông Vương Giác Thắng (người đại diện hợp pháp của nguyên đơn Huỳnh Văn Lợi) cho rằng, vụ án kéo dài, không được giải quyết dứt điểm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Theo ông Thắng, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến vụ án kéo dài, khó giải quyết là do việc xem xét thẩm định tại chỗ và đo vẽ hiện trạng tại phần đất tranh chấp không thể tiến hành, do hành vi bất hợp tác từ phía một số bị đơn.

Ngày 1/12/2020, TAND huyện Tân Phú cùng với đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Phú, đại diện UBND xã Trà Cổ, đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai và các đương sự đã tổ chức xem xét, thẩm định tại chỗ và đo vẽ hiện trạng thửa đất tranh chấp. Tuy nhiên, việc thẩm định tại chỗ và đo đạc đã không tiến hành được.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp lý liên quan, TAND huyện Tân Phú có thể áp dụng biện pháp buộc các bị đơn phải hợp tác để tiến hành thẩm định tại chỗ. Cụ thể, Điều 127 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định, tòa án có quyền “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được tòa án giải quyết”.

Điều 8 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc hướng dẫn áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong khi giải quyết tranh chấp dân sự, quy định: “Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

1. Ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án là trường hợp đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi cản trở quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc có hành vi khác gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Ví dụ: Khi xem xét, thẩm định tại chỗ, bị đơn là ông B khóa cửa không cho vào thẩm định. Theo yêu cầu của nguyên đơn thì tòa án có thể áp dụng biện pháp buộc ông B mở cửa để xem xét, thẩm định tại chỗ.

2. Ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được tòa án giải quyết là trường hợp người bị ảnh hưởng không phải là đương sự trong vụ án, nhưng việc thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người đó”.

Vì sao chưa đưa vụ án ra xét xử?

Sau khi không thể tiến hành thẩm định tại chỗ và đo đạc khu đất, ngày 19/1/2021, TAND huyện Tân Phú có Công văn số 20/CV-TAH gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị cung cấp các tài liệu, chứng cứ gồm toàn bộ hồ sơ thu hồi 305.952m2 đất tại xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, theo Quyết định số 1318/QĐ.CT.UBT ngày 29/4/2002 của UBND tỉnh Đồng Nai.

Về việc chấp thuận cho Công ty TNHH Phú Lạc thuê đất và cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho công ty để sử dụng vào mục đích xây dựng khu du lịch sinh thái tại xã Trà Cổ; toàn bộ hồ sơ thu hồi 14.738m2 đất tại xã Trà Cổ, theo Quyết định số 1292/QĐ.CT.UBT ngày 5/5/2003 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc giao QSDĐ cho Ban Quản lý dự án huyện Tân Phú để đầu tư xây dựng đường vào Khu du lịch Suối Mơ tại xã Trà Cổ.

TAND huyện Tân Phú cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thửa đất số 138, tờ bản đồ số 19, bản đồ địa chính xã Trà Cổ lập năm 1998 (trước là thửa 373, tờ bản đồ số 4, bộ bản đồ địa chính xã Phú Lộc cũ lập năm 1989) và thửa 132, thửa 94, tờ bản đồ 19 địa chính xã Trà Cổ lập năm 2002 (trước là thửa 370, 324 tờ bản đồ 13) có bị thu hồi để làm Khu du lịch Suối Mơ theo các quyết định nêu trên của UBND tỉnh Đồng Nai hay không? Thu hồi hết hay thu hồi một phần? Nếu thu hồi một phần thì diện tích bị thu hồi là bao nhiêu?

leftcenterrightdel
Phần đất của gia đình ông Lợi được công nhận quyền sử dụng từ năm 1997. Ảnh: NT 

Do chưa nhận được văn bản trả lời của UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 8/2/2021, TAND huyện Tân Phú ra Quyết định số 06/2021/QĐST-DS, tạm đình chỉ giải quyết Vụ án dân sự thụ lý số 94/2012/TLST-DS ngày 30/8/2012 về việc “tranh chấp QSDĐ; yêu cầu hủy GCNQSDĐ; tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” giữa nguyên đơn Huỳnh Văn Lợi và các bị đơn Nguyễn Việt T.A., Dương Thị Tr. vì xét thấy cần đợi kết quả cung cấp chứng cứ của UBND tỉnh theo yêu cầu của tòa án mới giải quyết được vụ án.

Như Báo Thanh tra đã thông tin, ngày 22/4/2010, TAND huyện Tân Phú đã thụ lý Vụ án dân sự số 29/2010/TLST-DS về việc “kiện tranh chấp QSDĐ”. Người khởi kiện là ông Huỳnh Văn Lợi, bị đơn là bà Dương Thị Tr., trú tại khu 2, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú.

Tiếp đó, ngày 30/8/2012, TAND huyện Tân Phú tiếp tục thụ lý Vụ án dân sự số 94/2012/TLST-DS về tranh chấp QSDĐ. Trong vụ án này, nguyên đơn Huỳnh Văn Lợi yêu cầu ông Nguyễn Việt T.A. (trú tại ấp 6, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) phải trả lại phần diện tích đất khoảng 300m2 thuộc thửa số 373, tờ bản đồ số 4, bản đồ địa chính xã Trà Cổ.

Đến ngày 20/10/2014, TAND huyện Tân Phú ban hành Quyết định số 02/2014/QĐST-DS với nội dung nhập Vụ án số 29/2010/TLST-DS thụ lý ngày 22/4/2010 vào Vụ án số 94/2012/TLST-DS thụ lý ngày 30/8/2012 để giải quyết trong cùng một vụ án.

Sau một thời gian dài bị bế tắc thì đến tháng 2/2021, vụ án bị tạm đình chỉ. Ông Huỳnh Văn Lợi cho rằng vụ án bị kéo dài và nhiều lần đình chỉ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông, nên đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị vào cuộc giải quyết.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ án này.

Nhóm PV